Nữ sinh đa tài Nguyễn Phạm Hương Giang gây ấn tượng với lời kêu gọi “ngừng giết thời gian”

Đêm thi thứ 3 của Én Vàng Học Đường phát sóng vào tối 14/9 trên kênh HTV9 đã khép lại phần ra mắt của 6 thí sinh cuối cùng trong top 18 chương trình là Đặng Thụy Thảo Vy, Phạm Băng Đăng, Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Thùy Duyên, Nguyễn Phạm Hương Giang và Nguyễn Phú Thái Bảo. 6 thí sinh khá cá tính khi mang đến những bài ra mắt cực kì ấn tượng với các chủ đề gần gũi và thiết thực. Đêm thi không chỉ thử thách tài năng của các thí sinh mà bộ tứ ban giám khảo gồm Liêu Hà Trinh, Phụng Yến, Lê Phương Uyên và Tô Huỳnh Phương Hiếu cũng phải “cân não”, vừa phản biện vừa góp ý để mở rộng và hoàn thiện bài tranh biện cho các thí sinh.

0
198

Thí sinh có bảng thành tích học tập “khủng” nhất Én Vàng Học Đường 2018 Đặng Thụy Thảo Vy chọn chủ đề mà bản thân em luôn băn khoăn đó là cách đặt câu hỏi để phát huy tiềm năng của bản thân và mở ra nhiều cơ hội mới. Với niềm tin về sự tồn tại những tiềm năng đặc biệt trong mỗi con người, Thảo Vy đã tham gia nhiều kì thi như kinh doanh quốc tế, võ thuật, học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học… Khi nhiều người thắc mắc Thảo Vy là học sinh chuyên Văn sao có thể nghiên cứu khoa học, nhưng Thảo Vy cho rằng ai cũng có thể nghiên cứu khoa học bằng cách bắt đầu từ việc “đặt câu hỏi”. Việc này khiến cho tri thức không ngừng mở mang. Thảo Vy cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ rằng trong cuộc sống đôi khi gặp những con người, sự vật, hiện tượng khác với những tiêu chuẩn chung thì hãy khoan phát xét, định kiến và chỉ trích mà hãy đặt câu hỏi trước để trở thành người tử tế nhất thế giới.

Với bài hùng biện tự tin, cá tính, thuyết phục và duyên dáng, Thảo Vy đã nhận “cơn mưa” lời khen của 4 giám khảo. Giám khảo Liêu Hà Trinh đã hào hứng sáng tác tặng ngay Thảo Vy 4 câu thơ: “Tại sao những cánh đồng thì màu xanh? Mặt trăng cô đơn còn mặt trời thì đỏ? Cảm ơn Thảo Vy đã đặt ra những câu hỏi nhỏ. Và tất cả chúng ta là nhà nghiên cứu sau này.” Thảo Vy đã chọn Liêu Hà Trinh làm giám khảo đồng hành. Giám khảo Phụng Yến thích thú với cách Thảo Vy triển khai bài nói hấp dẫn, ngôn ngữ cơ thể dễ thương tạo ấn tượng cho người nghe. Giám khảo Phương Hiếu ngờ vực liệu việc đưa ra quá nhiều câu hỏi có khiến người khác đánh giá mình là người thiếu hiểu biết. Thảo Vy phản biện rằng nếu không biết thì cứ hỏi, tự đặt câu hỏi cho chính mình để tự tìm câu trả lời, trước khi hỏi phải nghĩ có nên hỏi không, khi ngừng hỏi cũng có nghĩa là không còn học tập nữa. Giám khảo Phương Uyên chất vấn: liệu đặt câu hỏi như thế nào là đủ, làm sao để tránh trở thành người đa nghi và rèn luyện tư duy phản biện? Là 1 học sinh từng nghiên cứu đề tài phát triển tư duy phản biện cho học sinh THPT trong học tập và đạt giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, Thảo Vy cho rằng trước khi hỏi phải xác định mục đích câu hỏi, có 3 bước để rèn luyện tư duy phản biện là đặt câu hỏi, hệ thống hóa kiến thức và tự tạo môi trường rèn luyện tư duy phản biện. Đặng Thụy Thảo Vy đã xuất sắc dẫn đầu đêm thi với 38,25 điểm, đây cũng là số điểm cao nhất trong vòng thi ra mắt của top 18 Én Vàng Học Đường.

Nữ sinh “đa tài” Nguyễn Phạm Hương Giang  gây ấn tượng với lời kêu gọi “ngừng giết thời gian”

Cùng chọn đề tài cách sử dụng thời gian, thí sinh Nguyễn Phạm Hương Giang và Nguyễn Phú Thái Bảo có 2 cách thể hiện khác nhau.

Phần thi của Hương Giang khá ấn tượng khi em mang đến chiếc đồng hồ cát để trình bày chủ đề của mình. Hương Giang đưa ra luận điểm nhiều người sai lầm khi cho rằng họ có thời gian.Quan điểm của em về thời gian đó là món quà vô giá, bạn không thể chiếm hữu thời gian cho riêng mình nhưng có thể sử dụng nó, khi thời gian mất đi bạn không thể mang trở lại được. Hương Giang dẫn chứng thống kê tuổi thọ trung bình của một người là 78 năm, trong đó thời gian dành cho việc ngủ là khoảng 28 năm; thời gian làm việc là 12 năm, thời gian dành cho các hoạt động gia đình, điện thoại, mạng xã hội, ăn uống, học hành, vui chơi, đi lại… là 29 năm.

Cuối cùng, mỗi con người chỉ còn lại 8 năm. Hương Giang cho rằng những người trẻ dành quá nhiều thời gian để trải nghiệm nhưng lại không biết rằng thời gian sống đang ngắn đi, thời gian giá trị hơn tiền bạc, bạn có thể dùng sức khỏe và năng lực để tạo ra tiền nhưng không thể tạo ra thời gian… Mỗi người có trung bình 86.400 giây và phải sử dụng như thế nào cho hợp lý. Hương Giang ví cuộc sống như chiếc đồng hồ cát, khi chiếc đồng hồ cát nằm ngang tức thời gian ngưng đọng. Cô gái trẻ chọn cách kết thúc bài thi ấn tượng bằng việc hất toàn bộ cát ra khỏi chiếc đồng hồ để chốt lại vấn đề các bạn trẻ hãy cho mọi người biết thời gian của bạn là khôn ngoan và nếu bạn giết thời gian thì người chết sẽ là bạn. Với phong cách trình bày mạnh mẽ, cá tính và ấn tượng, Hương Giang đã chinh phục bộ tứ giám khảo, vì vậy thay vì lựa chọn giám khảo đồng hành, Hương Giang đã được cả 3 giám khảo tranh nhau nhận hỗ trợ. Cuối cùng, Hương Giang chọn Liêu Hà Trinh bởi cô là người duy nhất không giành Hương Giang về phía mình. Giám khảo Phương Uyên cho rằng chủ đề này không mới và trùng với thí sinh Thái Bảo. Giám khảo Phương Hiếu cho rằng Hương Giang đã mâu thuẫn với chính mình, ai cũng nhìn nhận được thời gian quý như thế nào, nhưng cái cần là phải đưa ra giải pháp. Hương Giang đã đưa ngay 4 điều nên làm để tránh lãng phí thời gian đó là phải có mục tiêu rõ ràng, luôn có sự chuẩn bị, nói không với những điều không cần thiết và làm gì cũng phải nhớ đến từ lãng phí thời gian. Giám khảo Liêu Hà Trinh cũng bào chữa không phải sống bao lâu mà là sống bao sâu để sử dụng thời gian chất lượng. Hương Giang đã đạt được 37 điểm cho bài thi của mình.

Cũng chọn chủ đề về thời gian, “thầy giáo online” Nguyễn Phú Thái Bảo (Thái Bảo có mở 1 lớp dạy Văn trên mạng) tranh biện về cách tận dụng thời gian của thanh xuân để làm những gì mình khao khát nhất. Thái Bảo đưa ra dẫn chứng có nhiều người lãng phí thanh xuân để làm những điều vô bổ như bỏ cả tuần để “cày” phim mình yêu thích, gục khóc trên bàn khi nhân vật chính chết, chơi game ngày đêm rồi đập vỡ bàn phím vì con game mình chết… Thái Bảo cho rằng nhiều bạn trẻ đang sử dụng nhu cầu giải trí để phục vụ thời gian đáng ra hướng đến cho hoài bão và những điều có giá trị hơn. Chốt lại chủ đề, Thái Bảo mong các bạn trẻ hãy đứng lên thực hiện những giấc mơ của mình đừng để những giấc mơ trở thành tờ giấy trắng. Thái Bảo chọn giám khảo Liêu Hà Trinh làm người đồng hành với mình. Trước những dẫn chứng của Thái Bảo về xem phim, chơi game, 3 giám khảo Phụng Yến, Phương Uyên và Phương Hiếu đồng loạt cảm thấy có mình trong đó và không nghĩ rằng đó là thời gian vô bổ mà là để giải trí khỏi những căng thẳng cuộc sống.

Giám khảo Liêu Hà Trinh đã bào chữa bằng cách đồng ý với 3 giám khảo ở vế đầu vì cô cũng từng xem “Thư ký Kim sao thế?” hết 1 ngày 1 đêm hơn 10 tập rồi cũng ngụy biện rằng xem phim để học cách phối đồ cho đẹp, nhưng thực tế không phải vậy. Cô cho rằng nếu như bạn muốn học gì, kỹ năng nào bạn đều có thể học nhanh bằng 1 khóa học ngắn, chứ bỏ thời gian đêm khuya ra xem phim sẽ khiến cơ thể mệt mỏi. 3 giám khảo đã yêu cầu Thái Bảo đưa ra cách phân biệt thời gian nào là lãng phí, Thái Bảo đã nêu ra bản thân có thể giải trí nhưng không được làm dụng, xác định mục đích, khi có ước mơ phải phân bổ thời gian để thực hiện. Giám khảo Liêu Hà Trinh cũng bật mí “bí kíp” để không lãng phí thời gian là phải tập trung trong mọi việc mình làm. Thái Bảo đã đạt 33,25 điểm từ bộ tứ giám khảo cho bài thi ra mắt.

Nữ sinh Đồng Nai kêu gọi phụ huynh ngừng so sánh con mình với “con nhà người ta”

Thí sinh Thùy Duyên đến từ Đồng Nai chọn cho mình chủ đề mà gần như bạn trẻ nào cũng gặp phải đó là bị so sánh với “con nhà người ta”. Thùy Duyên cho rằng có 1 nhân vật luôn  được phụ huynh mang ra so sánh với con mình đó là “con nhà người ta”. Để khiến bài hùng biện thêm màu sắc, Thùy Duyên đưa vào bài thi giọng off voice những câu nói quyen thuộc mà các phụ huynh hay so sánh con mình với “con nhà người ta” như: tại sao con nhà người ta học giỏi, tại sao con nhà người ta làm được mà con mình thì không… Thùy Duyên hiểu cha mẹ nào cũng rất thương con và việc đưa ra những so sánh là để thúc đẩy ý chí học tập của các con, tuy nhiên em cho rằng các phụ huynh nên dùng những lời khích lệ chứ đừng trách mắng hay đặt lên bàn cân để so sánh với “con nhà người ta”.

Bởi điều đó sẽ khiến các con mặc cảm, sợ hãi, tự ti, có khoảng cách với cha mẹ và nhiều lần so sánh sẽ khiến các con tìm mọi cách để làm cha mẹ hài lòng bằng việc quay cóp để có điểm cao, hay tệ hơn là trầm cảm mà tự tử. Từ góc độ “con nhà người ta”, Thùy Duyên cho rằng các bạn cũng rất áp lực vì phải duy trì thành tích để không mất mặt, khó chịu khi bị soi mói từng kết quả và điểm số… Kết thúc bài thi, Thùy Duyên kêu gọi các phụ huynh hãy ngưng so sánh con mình với “con nhà người ta” hay bắt con phải vào khuôn khổ người nào khác, hãy để các con tự do tạo ra thế giới của chính mình với những suy nghĩ mới lạ. Thùy Duyên chọn giám khảo Phụng Yến làm “đồng minh” của mình. Giám khảo Phương Hiếu cho rằng điều quan trọng trong vấn đề Thùy Duyên đưa ra là phải tìm ra giải pháp để thấy sợi dây liên kết giữa 2 thế hệ cha mẹ và con cái, Thùy Duyên đang suy nghĩ tiêu cực khi muốn cha mẹ hiểu mình, nhưng chưa mạnh dạn nói với cha mẹ những điều mình suy nghĩ để tìm ra giải pháp chung. Giám khảo Liêu Hà Trinh xúc động và hiểu được áp lực của các bạn trẻ, nhưng cô cho rằng liệu các bạn trẻ có bất công với cha mẹ mình hay không khi họ cũng bị áp lực và có những tình cảm phía sau mà những người con chưa biết. Trước mong muốn của Thùy Duyên là cha mẹ hãy nói nhẹ nhàng với con hơn, giám khảo Liêu Hà Trinh đã thử thách thí sinh bằng cách đưa ra những câu nói gay gắt của cha mẹ và Thùy Duyên đã phản xạ nhanh khi thay đổi bằng những câu nói nhẹ nhàng, tình cảm hơn. Thuy Duyên đạt được 34,75 điểm cho bài thi ra mắt ấn tượng.

Phạm Băng Đăng đưa ra cách khắc phục ưu tiên trong giáo dục

Thí sinh Phạm Băng Đăng ra mắt với chủ đề sự ưu tiên trong học tập và thi cử để mang đến môi trường học tập công bằng hơn. Băng Đăng cho rằng những chính sách ưu tiên dành cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện khuyến học sẽ giúp cho các học sinh này có cơ hội phát huy khả năng của mình, tuy nhiên điều đó cũng có mặt trái không tốt như học sinh được cộng thêm điểm vì tham gia lớp dạy thêm của giáo viên, một số nơi dành ưu ái quá lớn cho các cột điểm đều là 10 vì là học sinh giỏi của trường… Băng Đăng đã dẫn chứng bằng con số năm 2017 trong 404 thí sinh đậu vào ngành Y đa khoa ĐH Y Dược TP.HCM chỉ có 26 thí sinh đậu vào mà không sử dụng bất cứ ưu tiên nào. Theo em, đó là con số biết nói đáng lưu tâm dành cho phụ huynh và những người làm giáo dục.

Từ góc độ 1 học sinh, Băng Đăng mong rằng sẽ có những chính sách để biến những ưu tiên trong giáo dục thành sự hỗ trợ để những học sinh có thể đứng lên bằng đôi chân của chính mình. Băng Đăng chọn Phương Hiếu làm giám khảo hỗ trợ cho mình. Giám khảo Liêu Hà Trinh ngay lập tức làm khó: “Trong bài hùng biện của Băng Đăng đã sử dụng 5 trong 6 chiếc mũ tư duy là: mũ đen –  sự rủi ro của vấn đề, mũ trắng –  những số liệu thuyết phục, mũ màu đỏ – cảm xúc, mũ màu xanh da trời – sự lãnh đạo, màu xanh lá cây – sự sáng tạo, nhưng bạn thiếu chiếc mũ màu vàng là sự lạc quan”. Giám khảo Phương Hiếu bào chữa cho Băng Đăng để chiếc mũ màu vàng cho tất cả mọi người cùng nỗ lực tìm ra giải pháp. Giám khảo Phụng Yến cho rằng cô thấy chiếc mũ màu vàng trong bài hùng biện của Băng Đăng khi em nhìn được mặt tích cực của vấn đề. Giám khảo Phương Uyên tự nhận mình khi là học sinh từng tham gia các cuộc thi cấp thành phố, có giải và từng nhận được sự ưu tiên điểm số bởi đã mất rất nhiều thời gian đầu tư cho kì thi để mang thành tích về cho trường và với cô, sự ưu tiên trong trường hợp này là thỏa đáng. Với bài thi của mình, Băng Đăng đạt được 37 điểm.

Nữ sinh Tây Ninh chọn lớn lên như nữ tướng để làm bờ vai cho mẹ 

Thí sinh Minh Thư đến từ Tây Ninh chia sẻ về tuổi thơ không vui của mình khi em lớn lên với rất nhiều câu hỏi về việc em không có cha và ăn mặc khác người… Là cô con gái duy nhất của một bà mẹ đơn thân, gia đình khá khó khăn nên Minh Thư không chọn cách sống như công chúa mà chọn cách lớn lên thành 1 nữ tướng mạnh mẽ, độc lập và trưởng thành, để làm bờ vai vững chắc cho mẹ. Minh Thư trình bày chủ đề về sự thay đổi của những người trẻ để vượt qua giới hạn bản thân và trưởng thành hơn. Đây là vấn đề mà Minh Thư và mẹ chưa thống nhất với nhau, bởi Minh Thư thích những thử thách, còn mẹ em lại muốn con gái có cuộc sống an nhiên, hạnh phúc. Minh Thư cho rằng mọi người hãy bước qua giới hạn an toàn để thử thách bản thân mình từ những việc đơn giản như đi con đường khác đến trường, ăn món ăn mới, cầm bút bằng tay trái… Từ việc học cách chấp nhận sự thay đổi, bạn chắc chắn sẽ hạnh phúc. Minh Thư chọn giám khảo Phương Uyên làm người hỗ trợ trong phần phản biện với giám khảo. Giám khảo Phụng Yến cho rằng bài hùng biện của Minh Thư có nhiều ý nhưng không rõ ràng dẫn đến bài thi chưa thuyết phục. Minh Thư nhận được tổng điểm là 33,25 điểm cho phần thi ra mắt.

Tập thứ 3 đã khép lại vòng thi ra mắt của 18 thí sinh Én Vàng Học Đường 2018. Tạm dẫn đầu là thí sinh Đinh Thị Thảo Vy. Tập tiếp theo của chương trình sẽ phát sóng vào lúc 20h45 thứ Sáu tuần sau trên kênh HTV9.

Thi Thi/ Theo Starzone

BÌNH LUẬN