Nội dung câu chuyện bắt đầu từ một vụ tai nạn giao thông ở một vùng quê 20 năm trước, cướp đi sinh mạng của một đôi vợ chồng. Thủ phạm gây ra vụ tai nạn vẫn chưa điều tra ra. Trong khi đó, cô bé Nga con gái nhỏ của đôi vợ chồng vắn số đã được một người đàn ông bí ẩn (Nguyễn Sơn) nhận làm con nuôi. 20 năm sau, Nga (Thiên Trang) trở thành một cô giáo trẻ. Còn cha nuôi của cô – ông Tư – là một thầy thuốc tốt bụng, thường hay chữa bệnh cứu giúp mọi người. Dù có nhiều người phụ nữ yêu thương nhưng ông Tư không lấy vợ mà ở vậy để nuôi dạy Nga nên người.
Đạo diễn Thái Kim Tùng mang đến tiểu phẩm về tình cảm cha con.
Tình cảm của 2 cha con rất tốt. Bạn trai của Nga là Lượng (Duy Quang) vốn là một cảnh sát, đang điều tra vụ tai nạn trước đây của bố mẹ Nga. Trong ngày đưa Lượng về ra mắt cha, Nga đã được Lượng cho xem bức ảnh phác họa chân dung của thủ phạm. Nga nhận ra đó chính là hình ảnh thời trẻ của ông Tư. Cô đau đớn, vừa thương vừa oán hận người cha nuôi đã yêu thương cô hơn tất cả mọi thứ trên đời. Ông Tư đã quỳ sụp xuống xin lỗi Nga vì 20 năm trước, trong một cơn say không làm chủ được tốc độ, ông đã khiến cô trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong nhất thời, Nga không biết phải đối diện sự thật và với ông Tư như thế nào nên đã bỏ nhà đi. Ông Tư vì quá nhớ con nên trở bệnh.
Khi Nga trút bỏ được hết những ân oán trong lòng, cô quay trở về nhà để gặp ông Tư. Sau khi nhận được sự tha thứ của cô con gái nuôi, ông Tư đã trút hơi thở cuối cùng. Với tiểu phẩm này, đạo diễn Thái Kim Tùng muốn thể hiện thông điệp: tình thương có thể hóa giải mọi ân oán. Các ca khúc mà anh sử dụng trong tác phẩm là “Túp lều lý tưởng” (Sáng tác: Hoàng Thi Thơ), “Mồ côi” (sáng tác: Lê Quang Khánh), “Lời sám hối cho con” (sáng tác: Nguyễn Hậu), “Công cha nghĩa nặng” (sáng tác: Tiến Luân).
Nhận xét về tác phẩm, giám khảo Công Ninh cho biết ông khá băn khoăn vì tác phẩm của Thái Kim Tùng nặng về thoại kịch và thiếu nhạc bolero. Chi tiết ông Tư dễ dàng nhận nuôi cô bé Nga vốn là con gái của 2 nạn nhân trong một vụ tai nạn mà cảnh sát đang điều tra – theo ông chưa hợp lý. Và cái chết của ông Tư mà đạo diễn Thái Kim Tùng xử lý không mang nhiều giá trị bằng việc để nhân vật chịu sự trừng phạt của pháp luật.
NSƯT Thoại Mỹ cũng cho rằng các bài hát mà Thái Kim Tùng đưa vào chưa hợp lý nên không dẫn tới cảm xúc cho người xem. Đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ câu chuyện tuần này của anh khá kịch tính với tốc độ nhanh nên khó tìm được những ca khúc phù hợp để đưa vào những đoạn cao trào.
NSƯT Kim Xuân khá ấn tượng về Thái Kim Tùng ở vòng đầu nhưng với tác phẩm tuần này, chị nhận thấy cách dựng còn bị cũ, nhiều diễn viên diễn bị vội. Chị nhận xét nhân vật Nga gào khóc nhiều quá và cái chết có phần đột ngột của người cha hơi khó thuyết phục. Tác phẩm của đạo diễn Thái Kim Tùng nhận được số điểm 26,75.
Cũng trong đêm thi, đạo diễn Thùy Dương mang tên “Giọt máu đào” nói về 2 anh em mồ côi là Dừa (Tâm Anh) và Thơm (Tâm Thanh). Nhận xét về tiểu phẩm, NSƯT Thoại Mỹ đánh giá diễn xuất của Tâm Thanh và Hồng Trang làm người xem xúc động và khiến chị rơi nước mắt nhưng Thùy Dương còn ít xử lý sân khấu và đặc biệt là không sử dụng nhạc bolero trong tiểu phẩm.
Lý giải về việc này, đạo diễn Thùy Dương cho biết do tâm đắc với đề tài về tình anh em nên cô đầu tư cho kịch bản trước. Đến khi xong kịch bản thì mới phát hiện có rất ít và gần như không có ca khúc bolero về tình anh em. Giữa việc bỏ kịch bản làm lại từ đầu và hy sinh phần nhạc, Thùy Dương đã chọn cách thứ 2, phần vì cô quá thích đề tài của mình, phần vì cô muốn qua đây, các nhạc sĩ sẽ thấy và sáng tác nhiều ca khúc bolero về tình anh em.
Các ca khúc mà đạo diễn Thùy Dương sử dụng trong tiểu phẩm là “Tình anh em” (sáng tác: Lâm Quang Long), “Mẹ là cánh cò yêu thương” (sáng tác: Minh Đức), “Thua một người dưng” (sáng tác: Tô Tài Năng). Số điểm mà cô nhận được là 26,5.
Kịch cùng Bolero 2018 tập tiếp theo có chủ đề “Người ở lại có bao giờ vui”, phát sóng vào ngày 6/8 tới trên THVL1.
Thi Thi/ Theo Starzone