Ngày 8/10, tại hội thảo trực tuyến về các tiêu chuẩn sản xuất EU dành cho nông sản do Ủy ban Châu Âu (EC) tổ chức, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết hiện chưa có số liệu nhập khẩu của tháng 9, nhưng kết quả tháng 8 là 323 triệu USD hàng hóa được nhập từ EU vào Việt Nam theo chứng nhận xuất xứ (C/O) hưởng ưu đãi từ EVFTA.
Mức kim ngạch này nếu tiếp tục được duy trì trong tháng 9, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU tương đối cân bằng.
Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam nói chung, các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi nói riêng, thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Tuy nhiên, các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, khiến cho phần lớn các doanh nghiệp hiện chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ.
Ngành nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới sản phẩm có giá trị gia tăng thông qua sản xuất sản phẩm hữu cơ. Giảm chi phí sản xuất, tăng tính ổn định nguồn cung thông qua liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân; hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến. Hướng tới thị hiếu tiêu dùng đặc thù và chú ý đến hoạt động xúc tiến thương mại (xây dựng thương hiệu và hình ảnh; chú ý bao bì, nhãn mác…). Tăng cường mối liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua liên doanh liên kết với các đối tác EU.
Được biết, hội thảo về các tiêu chuẩn sản xuất EU dành cho sản phẩm nông sản được tổ chức trong 2 ngày (8 và 9.10). Các vấn đề được nhiều chuyên gia EU tập trung trình bày gồm nội dung quy định của EU về an toàn thực phẩm, sức khỏe động vật và sức khỏe thực vật; truy xuất nguồn gốc; kiểm soát động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu, vấn đề thuốc kháng sinh; hệ thống kiểm dịch động thực vật, quản lý thuốc trừ sâu và chất gây ô nhiễm; chỉ dẫn địa lý, nuôi trồng hữu cơ…
Xuân Thi/ Theo Starzone