Hoàng Linh là sinh viên trường Cao đẳng Sân khấu (tốt nghiệp năm 2009). Ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, Hoàng Linh đã được tham gia trình diễn tại sân khấu kịch Phú Nhuận bằng vai quần chúng đầu tiên trong vở Nhân danh công lý. Sau khi tốt nghiệp, Linh được chính thức mời về làm diễn viên của sân khấu này. Ngoài ra, anh còn đảm nhiệm vai trò đài trưởng của sân khấu. Một điều may mắn đối với Linh, hiện nay hầu như đêm nào anh cũng có suất diễn tại đây với nhiều vai diễn hay và được khán giả nhớ đến trong: Xóm trọ 3D, 3D cung tâm kế, Căn hộ 404…
Hoàng Linh không phải là một cái tên quá lạ lẫm đối với khán giả nhất là những ai yêu thích sân khấu kịch. Mặc khác, dù chỉ tham gia duy nhất một bộ phim truyền hình Gia đình phép thuật nhưng Hoàng Linh vẫn thu hút rất nhiều khán giả hâm mộ nhí. Tuy nhiên, vào nghề đến nay gần 10 năm nhưng con đường nghệ thuật của Hoàng Linh gần như vẫn… “giậm chân tại chỗ”.
Trong đêm thi chủ đề Nhân quả của Tiếu Lâm Tứ Trụ, với vai cậu trai 16 tuổi bị mắc bệnh tâm lý, không cha mẹ sống nương nhờ tại nhà người bác sĩ điều trị, phải trả giá đắt khi “vô tình” hại chết nguời cha của mình trong tiểu phẩm Phòng 13 – Tầng 7, cái tên Hoàng Linh một đã tạo nên một cơn sốt nhẹ với khán giả. Người ta nhận thấy ngoài một gương mặt, ngoại hình sáng sủa một kép đẹp thì khả năng diễn xuất của Hoàng Linh cũng là một điểm nổi trội của chàng diễn viên trẻ này. Trong tiểu phẩm, Linh hết cười rồi lại khóc, đẩy cảm xúc nhân vật tưởng chừng như đang “hời hợt” đến lắng đọng rồi vỡ òa bùng nổ.
Lý giải cho sự im hơi lặng tiếng của mình trong suốt gần 10 năm, đến bây giờ mới “ló mặt” ra ánh sáng, Hoàng Linh tâm sự: “Nhân vật trong Phòng 13 – Tầng 7 có độ tương đồng với Hoàng Linh ngoài đời 30% bởi mọi người vẫn gọi tôi là gã khờ trong showbiz. Tôi sống an toàn lắm. Có lẽ tính cách an phận, ngại bon chen nên tôi… xa lạ với sự nổi tiếng. Bây giờ là thời đại của gameshow hài, vừa xong chương trình này lại nối tiếp chương trình khác nên bắt buộc người nghệ sĩ phải chạy theo cái guồng đó. Nhìn thấy các đàn em cùng sân khấu đi thi rồi tỏa sáng hết làm mình cũng thấy buồn lòng. Tôi cũng từng băn khoăn khi thấy các em mau chóng nổi lên từ truyền hình thực tế, trang cá nhân hàng ngàn lượt tương tác, tiền cát-xê nhờ thế cũng tăng vọt đến chóng mặt. Nhìn thấy điều đó, tôi dao động nhưng cũng may là mình mắc bệnh sợ thi cử nên đến giờ vẫn được là chính mình.”
Tự thấy mình không có năng khiếu diễn hài nên hễ nhận được lời mời thi thố, Hoàng Linh lại từ chối thẳng. Anh tâm sự: “Tôi không có duyên hài, diễn được như giờ là kết quả của sự khổ luyện. Không giống với Xuân Nghị cùng trong đội thánh hài Tỉnh quen Hồng Vân, bản thân Nghị đã có duyên rồi còn Linh chọc cười được người khác là nhờ sự học tập thôi. Tôi học mỗi người một chút, coi đi coi lại nhiều lần nên nắm được tiết tấu, mảng miếng. Hồi đó, tôi mê anh Thành Lộc nên xem anh diễn nhiều rồi về tập diễn theo. Lúc mới về sân khấu Phú Nhuận, thầy Minh Nhí kêu tôi sao diễn y chang Thành Lộc vậy! Không được rồi, phải làm chính mình thì mới có khả năng tỏa sáng”.
Gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng bắt đầu từ năm lớp 8, Hoàng Linh đã nhen nhóm ngọn lửa với nghề diễn. Hoàng Linh kể: “Hồi đó, tôi mê xem kịch lắm. Ngày nào cũng có mặt ở sân khấu Idecaf, suất diễn 8 giờ tối mới mở màn nhưng 6 giờ chiều tôi đã có mặt trước cổng sân khấu để ngắm nhìn các anh chị diễn viên từ xa. Đến các anh chị soát vé sân khấu cũng quen mặt mình, có nhiều hôm đến mà không đủ tiền, họ vẫn chấp nhận cho tôi thiếu nợ vào xem. Ngày nào cũng đạp xe 4 km đến sân khấu, có hôm xe hư thì lại đi bộ. Dù sân khấu diễn lại vở cũ, Linh vẫn trốn học để đi coi. Một vở diễn mình có thể xem đến hơn chục lần đến mức mẹ phải thốt lên: “Trời ơi! Coi cái gì mà ngày nào cũng đi coi” và cấm cửa luôn. Giờ nhớ lại, không biết lý do bắt nguồn từ đâu nhưng Linh cảm thấy đam mê khủng khiếp, khao khát đến mức từng tưởng tượng lớn lên sẽ được biểu diễn ở sân khấu này. Tôi thấy mình hình như mắc nợ sân khấu, ngay đến giờ phút này, nếu không làm diễn viên thì Linh cũng không biết làm gì để sống” – Hoàng Linh kể.
Đối với những người diễn viên chân chính, sân khấu là thánh đường nghệ thuật và sân khấu chính là nơi họ bộc lộ khả năng diễn xuất nhiều nhất. Nếu phim ảnh, truyền hình, diễn viên có cơ hội làm lại khi quay bị hỏng thì với sân khấu hoàn toàn không có chuyện đó. Tuy nhiên, trong guồng quay của chương trình truyền hình thực tế, sân khấu kịch ngày càng mất dần vị thế của mình, các diễn viên trẻ buộc phải thay đổi để tồn tại. Hoàng Linh cũng vậy, nhờ sự khuyên giải lẫn đe dọa của nhiều bậc đàn anh đàn chị trong nghề, anh dần dần thay đổi tư duy của mình, cởi mở hơn, chịu thi thố để khán giả biết đến mình nhiều hơn. “Mỗi thời đại có những thay đổi, bây giờ khán giả có sẵn chương trình thực tế để xem nên ít chịu bỏ tiền mua vé lắm, suất đông thì diễn chứ nhìn sân khấu văng tanh nản đến mức muốn bỏ nghề. Lúc Tiếu Lâm Tứ Trụ bắt đầu khởi động, trong khi các em cùng sân khấu rủ rê chuẩn bị bài thi thì Linh vẫn bướng bỉnh nhất quyết không tham dự và đặt vé đi du lịch nước ngoài. Nhưng dường như có duyên nên không thoát được, sau khi nhìn thấy bốn vị huấn luyện viên, Linh quyết định hủy chuyến bay để thử vận may. Thi rồi mới thấy quyết định lần này là sáng suốt. Lần đầu tiên được thử nghiệm với nhiều loại vai mới chưa từng diễn ở đâu thật sự rất sung sướng”.
Trong đêm tuyển chọn, bằng lối diễn xuất duyên dáng, nhẹ nhàng và tinh tế với tiểu phẩm Đêm tân hôn, Hoàng Linh đã khiến con thuyền tình bạn của Hồng Vân và Thanh Thủy gặp sóng gió khi tranh giành anh về đội của mình. Chia sẻ sự ngưỡng mộ dành cho cả bốn giám khảo từ khi còn bé, Hoàng Linh đã quyết định bái NSND Hồng Vân làm sư phụ và nhận trọng trách đội trưởng trong đội của Thánh hài tỉnh queo.
Ảnh: Hoàng Trọng
Lan Anh/ Theo Starzone