Không chỉ bận rộn với bộ phim bom tấn của mình, Gấu Trúc Po cũng đang đấu tranh cho các loài động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cậu cùng với Thành Long, Yao Ming, Leonardo DiCaprio, Hoàng tử William, David Beckham, Lupita Nyong’o và nhiều người nổi tiếng khác đang là đại sứ thiện chí của tổ chức Cứu trợ Hoang dã WildAid.
Hợp tác cùng với Dreamworks, WildAid đã sản xuất một loạt các video và áp phích truyền thông với lời kêu từ gấu trúc Po để truyền đi thông điệp bảo vệ loài voi cũng như các người bạn khác của cậu như tê giác, sư tử, hổ và tê tê trước thực trạng, loài voi bị săn trộm để lấy ngà, tê giác lấy sừng, sư tử và hổ lấy xương, da; còn tê tê lấy vảy và thịt, đây sẽ là cách hữu ích để Po có thể cứu lấy những người bạn của mình.
“Không phải ai cũng có các tuyệt chiêu công phu của tôi” Po nói một cách khiêm tốn, “… xin hãy giúp đỡ bạn bè của tôi. Không có người mua, không còn kẻ giết.”
Với mục đích giáo dục và nâng cao nhận thức của hàng triệu con người về sự nguy cấp của các loài động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng, WildAid sẽ truyền thông rộng rãi các thông điệp của Po trên toàn cầu, đặc biệt đẩy mạnh ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, châu Phi, Hoa Kỳ. Các thông điệp này sẽ được phát trên TV, màn hình trong taxi, bệnh viện, ngân hàng, các rạp chiếu phim, các khu trung tâm thương mại cùng với báo in và các biển quảng cáo ngoài trời.
“Trẻ em rất yêu động vật, và chúng sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng việc buôn bán động vật hoang dã đang gây hại cho những người bạn động vật đáng thương của chúng. Bọn trẻ có thể ảnh hưởng đến người lớn, giúp họ thay đổi suy nghĩ và thói quen xấu của mình. Chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp trẻ em thuyết phục ông bà ngừng ăn súp cá mập hay ngừng sử dụng sừng tê giác.” – Peter Knights, Giám đốc Điều hành tổ chức Cứu trợ Hoang dã WildAid cho biết.
Trong nhiều thập kỷ qua, các chiến dịch của WildAid đã góp phần giảm nhu cầu ngà voi, sừng tê giác và vây cá mập. Trung Quốc đã ban lệnh cấm bán ngà voi vào đầu năm 2018, giá đã giảm 2/3, qua đó giúp vấn nạn săn trộm ở Kenya và Tanzania giảm đáng kể. Chiến dịch ngà voi của WildAid tại Trung Quốc đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng về cuộc khủng hoảng săn bắt voi và buôn bán ngà voi lên hơn 50% trong hai năm đầu tiên. Hơn 95% người Trung Quốc được khảo sát ủng hộ hành động của chính phủ trong việc chấm dứt giao dịch ngà voi.
Trong ba năm qua, giá sừng tê giác đã giảm từ 65.000 USD/ kg xuống còn 22.000 USD/ kg. Việc mua bán sừng tê giác của Việt Nam đã bị cấm và nhận thức về sừng tê giác đã tăng đáng kể kể từ năm 2014. Theo cuộc khảo sát năm 2016 do WildAid, Quỹ Hoang dã Châu Phi và CHANGE thực hiện tại Việt Nam cho thấy: chỉ có 23% số người được hỏi tin rằng sừng tê giác có tác dụng y tế (so với 69% trong năm 2014), giảm 67%. Chỉ có 9,4% số người được hỏi tin rằng sừng tê giác có thể chữa bệnh ung thư ( giảm từ 34,5% trong năm 2014), giảm 73%. Trong số những người nhận ra rằng tê giác sẽ bị tổn hại nghiêm trọng khi sừng của nó bị cắt đứt (95% số người được hỏi), 54% bây giờ biết tê giác bị giết vì sừng của chúng, tăng 74% (từ 31% vào năm 2014). Kiến thức về sừng tê giác bao gồm các chất được tìm thấy trong tóc và móng tay đến từ thông điệp chiến dịch Cắn móng tay của WildAid – tăng mạnh từ 19% trong năm 2014 lên 68% trong năm 2016 – tăng 258%.
Trong giai đoạn 2011 – 2014, vây cá mập nhập khẩu sang Trung Quốc giảm 80% và doanh số bán buôn chúng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu cũng giảm cùng mức . Theo đó giá cá mập bán buôn trên thị trường giảm 50-67%. Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, 93% người Trung Quốc nói rằng họ đã không tiêu thụ vây cá mập trong 6 năm qua. Gần 80% đã thấy thông điệp chiến dịch của WildAid, và 98,8% đồng ý rằng các thông điệp đã nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ cá mập, cũng như việc từ chối tiêu thụ vây cá mập. Ngoài việc thay đổi thái độ của người tiêu dùng, WildAid đã góp phần thuyết phục hàng chục hãng hàng không và hãng vận tải không vận chuyển vây cá mập, cũng như các nhà hàng và chuỗi khách sạn không phục vụ món vây cá mập.