Với cách tiếp cận khởi sự cho việc nhượng quyền nói trên của doanh nghiệp trong nước, chuyên gia lĩnh vực nhượng quyền và bán lẻ này đã ví von việc chuẩn bị nhượng quyền của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nắm bắt “cơ hội ở trên trời rơi xuống”, không có chiến lược và hoàn toàn thiếu bền vững.
Theo bà Vân, nhượng quyền thương hiệu được xem là một xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ngay cả ở thị trường trong nước, nhiều thương hiệu nước ngoài cũng đến mở kinh doanh rộng khắp thông qua hình thức nhượng quyền kinh doanh. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp trong nước hiện nay rất mù mờ về mô hình kinh doanh nhượng quyền, và không hiểu sẽ nhượng quyền như thế nào; trong khi chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia, tiếp cận mô hình kinh doanh này gần như không có.
Là người được mời tham gia thuyết trình tại các hội thảo chuyên ngành về bán lẻ và nhượng quyền trong nước, bà Vân chia sẻ hơn 3 năm qua, bà không tìm được thương hiệu mới nào trong nước đã nhượng quyền để đưa ra làm ví dụ cho người nghe, mà cứ “nhai đi, nhai lại” một vài thương hiệu quen thuộc đã nhượng quyền trước đó như Trung Nguyên, Phở 24, Wrap & Roll,…
Số doanh nghiệp trong nước đã tham gia mô hình kinh doanh nhượng quyền theo bà Vân rất ít, đếm được trên đầu ngón tay, nhưng tình hình cho thấy một vài thương hiệu này còn bị các doanh nghiệp nước ngoài dòm ngó và đi đến thâu tóm.
Trong khi đó, sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong nước để tham gia mô hình kinh doanh này hiện nay gần như không có.
Kinh doanh nhượng quyền thương mại chính là khuyến khích thương nhân đầu tư xây dựng, giữ gìn thương hiệu; bởi sau khi xây dựng thành công, thương nhân không chỉ hưởng lợi từ việc trực tiếp cung ứng sản phẩm dịch vụ, mà có thể bán quyền khai thác thương hiệu.
Tuy nhiên để nhượng được quyền kinh doanh thương hiệu, theo bà Vân là không hề dễ dàng, đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải có một sự chuẩn bị, nền tảng thật vững chắc, bởi nhượng quyền thương mại là một búi đan xen nhiều quan hệ hợp đồng: nhãn hiệu, bí quyết, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đào tạo, cơ chế giám sát, cơ chế chia sẻ lợi nhuận, hạn chế cạnh tranh, địa điểm, hỗ trợ tiếp thị… Đáng chú ý doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu, bí quyết sản phẩm hoặc dịch vụ riêng mới có thể nhượng quyền.
Khi tham vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giới chuyên gia về nhượng quyền thương mại cho biết hạn chế lớn của thương hiệu Việt là thiếu kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm và thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước. Ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhượng quyền thương hiệu trong nước cũng còn lấn cấn thì việc bước chân ra thị trường nước ngoài còn khó khăn hơn nhiều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam không hiểu rõ các quy định, quy luật về nhượng quyền kinh doanh trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, ở một số nước trong khu vực như Malaysia, quy mô của doanh nghiệp nước này cũng tương đối giống doanh nghiệp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp nước này cũng không biết gì về nhượng quyền. Nhưng theo bà Vân, Chính phủ nước này đã có một chiến lược cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ của nước họ tham gia mô hình nhượng quyền thương hiệu ra thị trường thế giới trong việc đào tạo, đi khảo sát thị trường, tìm đối tác,…
Cho đến hiện tại, xét về mức độ chuyên nghiệp và trải nghiệm ra thị trường khu vực khi nhượng quyền thương hiệu thì theo bà Vân, doanh nghiệp Việt còn kém xa doanh nghiệp Malaysia dù xuất phát của họ không hơn gì doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp Malaysia nhờ được hỗ trợ từ phía Chính phủ mà đã nhượng quyền thương hiệu ra các nước, bà Vân nói.
Ngay tại Triển lãm Quốc tế Công nghệ cửa hàng và nhượng quyền thương hiệu (VIETRF) được tổ chức tại TPHCM được xem là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia, quảng bá thương hiệu, nhưng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia cũng không nhiều, dưới 30%.
Bà Vân cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước còn non yếu, muốn “franchise” thành công, các doanh nghiệp Việt cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ.
VIETRF sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3-11 tới tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, du kiến thu hút 300 doanh nghiệp tham gia, trong đó hơn 70% là đến từ các nước và vùng lãnh thổ. Danh mục triển lãm bao gồm: công nghệ và trang thiết bị dành cho ngành bán lẻ, dụng cụ, đồ nội thất cửa hàng, Internet Retailing, nhượng quyền (ngành ăn uống, thời trang, sức khỏe, sắc đẹp, giáo dục,…). |