Mở đầu bộ phim ngắn, Vũ Ngọc Đãng đã giới thiệu nhân vật Khang (Đông Kha) trong hình ảnh của một chú hề đang biểu diễn trong chiếc mặt nạ cười, nhưng khi tháo ra, có thể thấy sự đẫm mệt và không hề vui vẻ với sự lựa chọn bỏ nhà ra đi. Quay trở về phòng trọ, cảm nhận không khí Tết sắp đến, anh bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm ngày Tết xưa cũ.
Ngày đó, tuổi thơ của Khang tràn đầy sự tò mò và thích thú với tục tặng muối, nhưng khi lớn dần theo năm tháng, cái hiện đại của điện thoại như âm nhạc, trò chơi hay những kết nối ảo đã khiến cậu không còn thích thú với những ngày Tết cùng ba (NSƯT Công Ninh) đi trao muối. Thậm chí “không buồn” giúp đỡ cho gia đình.
Đó cũng chính là lý do làm cho mối quan hệ giữa Khang và ba bị rạn nứt, Khang bị ba la mắng và tát “cho tỉnh ngộ” nhưng lại tức giận, bỏ nhà đi ngay trước dịp giao thừa.
Và câu chuyện cảm động dần khép lại bằng việc Khang tìm về ngôi nhà của mình, sum vầy bên gia đình trong những ngày Tết đến.
Chỉ vỏn vẹn 7 phút, Vũ Ngọc Đãng đã nhắc cho khán giả nhớ về một phong tục đẹp của người Việt là “Trao muối đầu năm” với ý nghĩa mong cầu sự đậm đà, hoà thuận trong tình cảm gia đình, mặn mà trong các mối quan hệ … như vị của muối. Qua đó anh gửi gắm một thông điệp hết sức nhẹ nhàng mà tinh tế cho khán giả: “Tết chỉ “nhạt” khi bạn “ở trọ” trong chính căn nhà mình”.
Chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt phim ngắn, nam đạo diễn cho biết: “Thời gian gần đây, tôi nghe khá nhiều người trẻ nhắc đến từ “nhạt”. Trong mọi chuyện họ đều cảm thấy thiếu thiếu một chút gì đó.
Tôi nghĩ, một phần nguyên nhân là do xã hội phát triển, con người đôi khi bị chìm đắm trong thế giới cá nhân và thiếu đi sự thực tế. Họ có thể giỏi về nhiều mặt nhưng lại khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc với người thân, đặc biệt là cha mẹ. Đó là lý do nhiều người trẻ hiện nay ít về thăm nhà, ít quan tâm tới gia đình vì cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình của mình. Trong phim ngắn lần này, tôi chỉ muốn góp thêm chút “muối” hy vọng có thể giúp kết nối giữa các thế hệ, duy trì tình cảm thiêng liêng giữa những người thân yêu đến gần nhau hơn”.
Riêng NSX – nam diễn viên Lương Mạnh Hải cho biết: “Nếu như ở miền Nam tục “trao muối đầu năm” là để gắn kết tình cảm của gia đình, bạn bè thì ở miền Bắc thì tục “đầu năm mua muối” mang lại sự may mắn cho chính gia đình của mình nữa.
Bản thân tôi cũng đã lâu lắm rồi quên mất đi tục “trao muối đầu năm” nên nhờ có bộ phim lần này mà không chỉ cá nhân tôi mà tất cả mọi người được trở về với phong tục rất đẹp của ông cha ta ngày xưa”.
Ca sĩ Đông Nhi cũng khá xúc động khi xem phim ngắn Đầu năm trao muối của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “Trong cuộc sống của mình có lẽ chúng ta đâu đó chúng ta quên đi những khoảnh khắc mà mình phải giành cho gia đình nhiều hơn. Bởi gia đình là một nơi vô cùng ấm áp, tràn đầy tình thương và chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Với những thước phim ngắn đầy xúc động này, tôi tin sẽ truyền đi rất nhều cảm hứng tích cực cho những người trẻ. Tôi cũng hy vọng thời gian mỗi người dành cho gia đình của mình hãy nhiều hơn nữa, không chỉ là riêng trong dịp Tết, xuân về”.
Gần đây, Vũ Ngọc Đãng gây dấu ấn với khán giả với 2 tác phẩm về chủ đề tình cảm gia đình: Phim ngắn “Đúng Tết nhà mình rồi, Muối ơi” và phim điện ảnh “Khi con là nhà”.