Cuốn sách cuộc đời “Chuyện nhà Dr. Thanh” sẽ có bản tiếng Anh

Đang được chuyển sang ngôn ngữ tiếng Anh, cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” của doanh nhân Trần Uyên Phương sẽ sớm ra mắt bạn đọc ấn bản Anh ngữ.

0
181
Mấy năm trước, một loạt biến cố lớn lao xảy ra trong gia đình doanh nhân họ Trần khi toàn bộ khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng 3 nhà máy mới của Tân Hiệp Phát mất trắng trong vụ án liên quan đến Ngân hàng Xây dựng. Đúng thời điểm này, “người đàn bà thép” – người vợ đã nguyện làm “cánh tay mặt” cho doanh nhân Trần Quí Thanh lâm trọng bệnh.

Tran Uyen Phuong 1

Trần Uyên Phương khi đó vừa được nhận làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Sorbonne (Pháp), đã quyết định từ bỏ con đường học tập, trở về với gia đình, để xử lý những biến cố dồn dập xảy đến. “Điều quan trọng nhất, đi qua tất cả sóng gió, cả gia đình cùng học được những bài học và vẫn nắm chặt tay nhau” – Trần Uyên Phương tự sự.

“Đọc thấy tin trên báo rằng toà tuyên án, má đi sang phòng, lặng lẽ ngồi xuống bên ba, chỉ nhẹ nhàng nói đúng một câu: “Ba đừng buồn! Mình sẽ làm lại”. Má đã làm đúng lời hứa từ đầu cuộc đồng hành sóng gió, luôn là cánh tay mặt của ba. Đó là bài học rất lớn tôi đã học được từ ba má và tôi thật sự không biết nếu mình ở vào vị trí của họ sau này, liệu mình có thể không trách cứ một lời nào, mà còn phải thấu hiểu cho tất cả những áp lực?!…” – Trong cuốn sách, Trần Uyên Phương viết.

Tran Uyen Phuong 3

Nếu được chọn sống lại một năm nào đó trong đời, Trần Uyên Phương không ngại trải nghiệm thêm một lần nữa những khoảnh khắc ngặt nghèo của năm 2014. Trong bức thư gửi người cha – doanh nhân Trần Quí Thanh vào ngày sinh nhật, cô viết: “Những biến cố lớn lao trong cái năm sóng gió kinh khủng đó lại là sự trui rèn mà ba hay nói: không thành công cũng thành nhân. Hoàn cảnh đưa ta vào thời khắc nóng bỏng và hoàn toàn có thể dẫn tới sụp đổ hay tan rã đó, con hiểu rằng, đi qua và trụ lại được nghĩa là trưởng thành hơn và nhận được nhiều hơn”.

Tran Uyen Phuong 5

“Nhận được nhiều hơn” không phải nhiều tiền hơn mà như chia sẻ của Trần Uyên Phương, tức là nghị lực sống mạnh mẽ, tinh thần không oán trách, không đổ lỗi. Bởi vì “cô gái tỉ đô” tâm  niệm bài học từ cha, đã chỉ cho các con thấy được rằng chạy theo vật chất chỉ làm hèn và hư mình, tiền bạc chỉ là phù du, cần phải sống cho đáng sống chứ không phải đích đến là có thật nhiều tiền và giữ tiền để ăn dần.

Theo Asia Times, vào năm 2015, đã có một tập đoàn nước ngoài đề nghị trả 2,5 tỉ USD để mua Tân Hiệp Phát, tuy nhiên, lợi nhuận hoặc đơn thuần là tiền không phải mục tiêu lớn nhất của người sáng lập doanh nghiệp này và cả các thế hệ kế tiếp. Cho nên, với “cô gái tỉ đô” Trần Uyên Phương, “trúng số cuộc đời” không phải là có nhiều tiền, nhiều quyền, mà là ở sự kế thừa “chất thép” sâu thẳm, mạnh mẽ, và đẹp đẽ mà thế hệ kế thừa (chứ không thừa kế) đã được hưởng từ ba má, để có được nền móng vững chãi và thật sự tự do trên hành trình chinh phục khát vọng đưa một doanh nghiệp Việt vươn lên.

Tran Uyen Phuong 7

“Gìn giữ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội Việt Nam là một trong 6 giá trị cốt lõi nền tảng định hướng hoạt động của chúng tôi. 5 giá trị còn lại là chính trực; giữ vững văn hoá lấy khách hàng làm trọng tâm; giữ vững hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai; các nhân viên được trải nghiệm quyền làm chủ công việc; cam kết những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng” – Trần Uyên Phương chia sẻ về giá trị cốt lõi và định hướng hoạt động.

Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát nói về khát vọng của doanh nghiệp: “Trong quan điểm của chúng tôi, mang tầm vóc hàng đầu châu Á là doanh nghiệp phải thuộc nhóm đứng đầu châu Á trong lĩnh vực của mình, có sản phẩm  đủ chất lượng bán trên toàn cầu. Ngay tại châu Á, sản phẩm phải đủ sức cạnh tranh trên những thị trường khó tính nhất, như Nhật Bản, Hàn Quốc… Khát vọng này đòi hỏi chúng tôi luôn xác định chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng là mục tiêu số 1, là sức mạnh cạnh tranh cốt lõi nhất, là công cụ và cũng là mục tiêu để phát triển”.

“Trong suốt gần 23 năm hoạt động, chúng tôi luôn nỗ lực cải tiến không ngừng, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát. Tân Hiệp Phát đã quyết định chọn công nghệ Aseptic cho 10 dây chuyền sản xuất của Tập đoàn tại 4 nhà máy. Tổng giá trị đầu tư công nghệ Aseptic cho 4 nhà máy là 300 triệu USD với 10 dây chuyền sản xuất” – Nữ doanh nhân, “cô gái tỉ đô” Trần Uyên Phương chia sẻ.

Công nghệ Aseptic giúp tiệt trùng tuyệt đối trong toàn bộ quá trình sản xuất từ phôi chai đầu vào đến chiết xuất sản phẩm và đóng gói. Toàn bộ quá trình này được thực hiện trong môi trường vô trùng, hoàn toàn khép kín và tự động, đặc biệt thân thiện với môi trường. Aseptic không chỉ giúp giữ lại tối đa các hàm lượng dưỡng chất từ nguyên liệu tự nhiên vào sản phẩm, mà còn giúp sản phẩm hoàn toàn không cần chất bảo quản, đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất về một sản phẩm sạch mà cả thế giới đang hướng đến.

Doanh nhân Trần Uyên Phương cho rằng: “Với công nghệ này, chúng tôi tự tin sẽ tạo nên mặt bằng mới về chất lượng sản phẩm và khi Tân Hiệp Phát nâng tầm, sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp cùng ngành cũng phải nâng tầm chất lượng lên mặt bằng mới. Người tiêu dùng sẽ là người được thụ hưởng từ sự cạnh tranh lành mạnh này. Việc đầu tư công nghệ cũng là lời khẳng định của Tân Hiệp Phát đối với giá trị cốt lõi mà Tập đoàn đã đặt ra từ ban đầu. Đồng thời, điều này góp phần hiện thức hóa định hướng chiến lược phát triển ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam là tăng trưởng bền vững xây dựng nền kinh tế xanh vì sự tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường”.

Tran Uyen Phuong - Dr Thanh

“Tân Hiệp Phát là công ty Châu Á đầu tiên đầu tư Aseptic khô của hãng GEA tại Châu Á. Với công nghệ của thế kỷ XXI, người tiêu dùng sẽ nhận được các sản phẩm với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên”, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương cho hay. Bà Phương nói thêm, việc mở thêm 3 nhà máy mới ở Hà Nam, Chu Lai và sắp tới là Hậu Giang sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển, giúp Tân Hiệp Phát đưa hàng đến tay người tiêu dùng cả nước một cách nhanh nhất.

“Chúng tôi đang mở rộng hệ thống phân phối. Hiện Tân Hiệp Phát có khoảng 300.000 điểm bán lẻ. Mục tiêu của chúng tôi là khiến cho các sản phẩm của mình trở nên phổ biến, người tiêu dùng có thể mua ở bất cứ đâu trên khắp cả nước chỉ trong bán kính 50m” – Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.

Tran Uyen Phuong 9

Doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng: “Đạt doanh thu 3 tỉ đô-la là mục tiêu xa. Trước mắt, chúng tôi đặt chỉ tiêu doanh thu tăng lên 30% trong năm nay. Tôn chỉ kinh doanh của chúng tôi là “người bạn quan trọng nhất chính là người tiêu dùng”.

Theo bà Phương, cạnh tranh với các công ty lớn, chủ yếu đến từ nước ngoài là vấn đề chính mà nhiều công ty Việt Nam đang phải đối mặt. “Chúng tôi đang cạnh tranh về vốn và nguồn lực với các tập đoàn toàn cầu. Rất nhiều công ty trong nước còn non trẻ và họ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại”.

Cứ tưởng được sinh ra trong một gia đình tỷ đô thì chỉ cần chưng diện, rong chơi vì đã gắn sẵn cái mác “công chúa”, “cô Hai”, nhưng hoá ra nếu chịu khó quan sát công cuộc gây dựng doanh nghiệp của Tân Hiệp Phát, và đọc cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”, ngay từ những dòng đầu tiên, người đọc đã bất ngờ, “ngã ngửa” vì những khoảnh khắc nghẹt thở, những dồn nén tâm lý, những trăn trở từ thế hệ này sang thế hệ khác trong câu chuyện về gia tộc doanh nhân họ Trần.

“Con đã tồn tại và phát triển trong sự bảo bọc và quan tâm được xem như là đương nhiên. Con liên tục với sự sống mạnh mẽ và lòng tin của bản thân vì trong con là nền tảng vững chắc mà ba má đã truyền cho con. Khó có thể biểu đạt hết tình yêu mà ba má đã giành cho chúng con. Đó là sự nỗ lực, miệt mài, sự kiên nhẫn vô cùng, luôn sẵn sàng bằng mọi cách để bao bọc, chở che cho chúng con phát triển nhưng không cho phép chúng con gục ngã, lùi bước. Nhờ đó, con đã là con của ngày hôm nay, bước đi tự tin với một giá trị, và hiên ngang với sứ mệnh, tầm nhìn rõ ràng. Ba má đã soi đường cho chúng con bước tới. Để mai sau cuối con đường con cũng tự hào là một người Việt Nam sống có ích” – Những bài học thực tế từ cuộc sống đã đi vào trong cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương.

Cuốn sách đã dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác và để lại rất nhiều cảm xúc cho người đọc. Đặc biệt là những bài học mà mỗi người tự đúc kết sau khi chiêm nghiệm, tuỳ theo hoàn cảnh cuộc sống và địa vị của mỗi người.

“Chuyện nhà Dr. Thanh” của doanh nhân Trần Uyên Phương là trường hợp đặc biệt trong làng xuất bản Việt, không hợp tác với các đơn vị phát hành truyền thống, doanh nhân Trần Uyên Phương chỉ bán sách trên trang web tranquithanh.com nhưng số lượng sách bán ra vẫn tăng lên chóng mặt. Rất ít cuốn sách có thể đạt tới số lượng cả chục ngàn bản sách được bán hết ngay trong tuần đầu tiên giới thiệu tới công chúng. Sau ba tháng ra mắt, hiện tại, cuốn sách mới được bán trên hai trang web: Amazone.com và Tiki.vn

Vì nhiều bạn đọc nước ngoài quan tâm, muốn đọc câu chuyện nên doanh nhân Trần Uyên Phương cho biết “Chuyện nhà Dr. Thanh” đang được dịch sang ngôn ngữ tiếng Anh và sẽ sớm ra mắt bạn đọc trong thời gian ngắn sắp tới.

Quỹ học bổng “Chuyện nhà Dr. Thanh” đã thu được hơn 230 triệu đồng, sắp tới, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương sẽ tổ chức đi trao tặng số tiền này tới các em học sinh, sinh viên nghèo được lựa chọn từ các trường.

Triều An/ Theo Starzone

BÌNH LUẬN