Trong hai ngày 8 và 9/10/2020 đã diễn ra Hội thảo trực tuyến về các tiêu chuẩn sản xuất EU đối với các sản phẩm nông lương của các chuyên gia Liên minh Châu Âu.
Sự kiện này do Ông John Clarke, Giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế tại Ban tổng giám đốc về Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Liên minh Châu Âu tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia Châu Âu về chính sách an toàn và chất lượng thực phẩm, cũng như các đại diện từ cơ quan chức năng Việt Nam, các tổ chức trong phân khúc thực phẩm EU, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và bán lẻ địa phương.
Tại chương trình, các chuyên gia tập trung vào nội dung EVFTA và trình bày chi tiết các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm EU, hệ thống Vệ sinh và kiểm dịch thực phẩm (SPS) của EU đối với các sản phẩm nông lương, hệ thống đảm bảo các sản phẩm EU an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc và có chất lượng cao, đặc trưng hiện được chuyển sang người tiêu dùng Việt Nam thông qua thỏa thuận thương mại, xác định những phạm vi quan trọng trong thực phẩm và đồ uống có thể có lợi từ EVFTA…
Tại hội thảo, các chuyên gia của châu Âu cho biết nông lương Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang EU. Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải… Trong đó, trà và cà phê là hai mặt hàng nhập khẩu lớn nhất vào EU của Việt Nam, chiếm 47%. Quả hạch, gia vị và trái cây chiếm 34% các mặt hàng nhập khẩu. Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận…
Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các DN Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing sản phẩm các mặt hàng này để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.
Hiệp định EVFTA mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội vào thị trường châu Âu, thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu.
169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của Châu Âu từ nguồn gốc địa lý cụ thể sẽ được bảo vệ trực tiếp ở mức cao trên thị trường Việt Nam
Các chuyên gia cho biết, 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của Châu Âu từ nguồn gốc địa lý cụ thể sẽ được bảo vệ trực tiếp ở mức cao trên thị trường Việt Nam. Bao gồm những sản phẩm rất ngon nổi tiếng của Châu Âu như Champagne, pho-mát Parmigiano Reggiano, rượu vang Rioja và pho-mát Feta.
Và trọng tâm là chính sách về sự an toàn thực phẩm của Liên minh Châu Âu, đem đến mức độ bảo vệ cao từ trang trại đến bàn ăn. Sản phẩm hữu cơ EU có chất lượng thực phẩm được chứng nhận, cấm sử dụng các thành phần GMO và thông tin với những giới hạn nghiêm ngặt đối với việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và thuốc kháng sinh. Mọi nông sản và đồ uống được xuất khẩu từ EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng tương tự như những mặt hàng được sản xuất cho thị trường nội địa EU. Điều này có nghĩa là thực phẩm và đồ uống được sản xuất từ người nông dân ở bất kỳ nơi nào trong EU sẽ có các đặc điểm chính xác như nhau, dù sản phẩm được tiêu thụ ở Paris, Warsaw, Hà Nội hay Hồ Chí Minh.
Với ý nghĩa này, hệ thống Vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) của EU đối với các sản phẩm nông lương nhằm mục đích giảm hoặc loại bỏ các rủi ro đe dọa đến sức khỏe của động vật, thực vật và sức khỏe cộng đồng.
Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được áp dụng trong toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm, cho phép xác định và xử lý một cách nhanh chóng và hiệu quả bất kỳ mối đe dọa nào từ thực phẩm.
Xuân Thi/ Theo Starzone