Yêu cầu của chủ đề này đó là chương trình sẽ đưa ra một tình huống kịch, các đạo diễn sẽ xây dựng phần kế tiếp của tình huống theo ý của mình trong thời gian ngắn ngủi của chương trình. Thử thách này không chỉ gây khó cho các đạo diễn mà cả các diễn viên tham gia, bởi họ phải liên tục thay đổi tâm lý, cách diễn, nhớ lời thoại, kịch bản, bài hát…theo ý riêng của từng đạo diễn. Có lẽ, cũng vì vậy mà đêm thi này, chương trình đã mời các diễn viên sân khấu chắc tay để tham gia diễn xuất như: Hồng Trang, Công Danh, Thanh Trực, Tiết Duy Hòa, Nghinh Lộc, Ngô Phương Anh.
Mở đầu cho chủ đề này là đạo diễn Thái Kim Tùng và đạo diễn Minh Tuấn. Ban giám khảo của đêm thi là NSƯT Công Ninh cùng 2 giám khảo khách mời là NSƯT Kim Xuân và MC – nhà báo Trác Thúy Miêu.
Tình huống kịch được BTC chọn để thử thách 2 đạo diễn đó là một ý tưởng của đạo diễn Vũ Trần (Á Quân Kịch cùng Bolero 2017) nói về câu chuyện gia đình bà Trang (Hồng Trang). Chồng mất sớm, bà Trang 1 mình bán chè nuôi 2 người con trai là Danh (Công Danh) và Trực (Thanh Trực). Bà Trang bị mù và mang trên mặt 1 vết sẹo lớn. Danh là anh trai nhưng bị thiểu năng, tính tình như 1 đứa trẻ nên mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình đều đổ lên vai Trực. Trực lên thành phố làm thuê cho đại ca giang hồ Hòa (Tiết Duy Hòa) để kiếm tiền lo cho mẹ và anh trai. Người yêu của Trực là Phương Anh, hàng ngày hay qua nhà bà Trang chơi và đợi Trực về. Một ngày nọ, Danh nghịch ngợm lục lọi đồ của mẹ, tìm được tấm hình gia đình nhưng chỉ có 3 người là cha mẹ và em trai lúc nhỏ, không có anh. Ngày Tết Trung Thu, Trực bất ngờ về nhà nhưng không cho bà Trang biết. Anh đưa cho Danh 1 số tiền lớn và dặn anh trai không được làm mất. Trực vừa kịp trốn, ông Hòa kéo đàn em tới bắt bà Trang và Phương Anh làm con tin để uy hiếp Trực trả tiền và số hàng anh lấy của hắn, riêng Danh may mắn chạy thoát.
“Chú ngựa ô” của Kịch cùng Bolero 2018 – Đạo diễn Minh Tuấn nhận “cơn mưa” lời khen của NSƯT Công Ninh và NSƯT Kim Xuân
Đạo diễn Minh Tuấn xây dựng lớp kịch mới, tiếp nối tình huống dang dở trong câu chuyện của đạo diễn Vũ Trần. Bối cảnh lúc này là ở căn biệt thự của ông trùm Hòa. Nhờ mua chuộc được vợ sắp cưới của Trực là Phương Anh làm gián điệp cho mình, ông Hòa đã bắt bà Trang làm con tin để ép Trực mang tiền và lô hàng phi pháp của hắn tới trả. Trực cùng Danh cũng bắt cóc vợ ông Hòa là bà Lộc (Nghinh Lộc) để trao đổi con tin. Khi 2 con tin được trao đổi, bà Lộc bất ngờ nhận ra bà Trang chính là người bạn thưở nhỏ cùng quê. Hai mươi năm trước, nhận thấy bà Trang là người tốt nên sau khi sinh con trai, bà Lộc lén mang con đến gửi bà Trang nuôi dùm vì bà sợ con trai sống cùng với người cha độc ác sẽ nhiễm phải dòng máu tội lỗi của hắn. Bà Lộc đã nói dối với ông Hòa là con trai đã chết. Do 1 trận hỏa hoạn, bà Trang gặp nạn nên gia đình bà chuyển nhà, từ đó cả hai mất liên lạc. Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ được tiết lộ khi mọi chuyện đã quá muộn màng. Vì muốn trả thù Trực đã dám đánh cướp lô hàng của mình, ông Hòa cho đàn em chặt tay Trực. Danh đã nhảy vào can, trong lúc xô xát, chính tay ông Hòa đã đâm chết Danh mà không biết rằng Danh chính là người con trai lưu lạc 20 năm qua của mình. Khi biết được sự thật, ông Hòa và bà Lộc chỉ còn biết ôm con trai gào thét trong đau khổ vì nghiệp báo mình gây ra. Trong lớp kịch này, đạo diễn Minh Tuấn đã sử dụng 2 ca khúc là Bài không tên số 7 và Tình hờ khá thành công, nhất là màn tam ca của ông Hòa, Trực và Phương Anh.
Hài lòng với cách xử lý của đạo diễn Minh Tuấn, NSƯT Công Ninh khen: “Em đã giải bài toán cộng trừ nhân chia mà đạo diễn Vũ Trần đã đưa ra bằng bằng phép giải đơn giản hiệu quả. Em kể với tiết tấu, thủ pháp tổ chức hành động rất tốt, tạo câu chuyện lôi cuốn khán giả. Cách xử lý âm nhạc tốt, chỉ có 2 ca khúc nhưng đắt nhất là ca khúc Tình hờ hát tam ca, rất thú vị. Khoảnh khắc tôi xem bị nổi da gà là khi bà Lộc ngăn cản bà Trang đừng tiết lộ ra đứa con của mình khiến tôi rất thắc mắc, hồi hộp, lo sợ có chuyện gì đây và y như rằng 1 sự bùng nổ lớn, đứa con đó chính là con của ông Hòa, câu chuyện hấp dẫn ở khoảnh khắc đó, tạo cho người xem ấn tượng rất mạnh. Kết thúc tiết mục này, tôi cảm giác đã thấy 1 chú ngựa ô trong cuộc đua này và hy vọng em sẽ về đích hoàn hảo”. NSƯT Kim Xuân cũng đồng tình với NSƯT Công Ninh: “Em đã giải mã được những câu hỏi mà Vũ Trần để lại, em đã đưa Phương Anh trở thành gián điệp chỉ xuất hiện vài phút nhưng đã để lại ấn tượng rất tốt, đặc biệt là phần tam ca Tình hờ của Phương Anh – Thanh Trực – Tiết Duy Hòa. Tuy nhiên, tôi thắc mắc đoạn xử lý tấm hình gia đình có 3 người, trong kịch Vũ Trần đưa ra là hình gia đình bà Trang nhưng sang kịch của Minh Tuấn lại là hình nhà bà Lộc, Minh Tuấn cũng chưa lý giải được lý do Danh bị thiểu năng, việc bà Lộc nhận ra bà Trang sau mấy chục năm mà dung nhan đã bị tàn phá không hề đơn giản vậy”. Giám khảo Trác Thúy Miêu khen đạo diễn Minh Tuấn thông minh khi tiếp tục tư duy của tác giả đề bài để chuyển bối cảnh cho vở kịch, đặc biệt là chi tiết Danh dù bị thiểu năng nhưng trong lúc hấp hối quờ quạng gọi mẹ vẫn sáng suốt tìm đến với người mẹ gần gũi nhất là bà Trang.
Đạo diễn Thái Kim Tùng cá tính với lối đi riêng
Đạo diễn Thái Kim Tùng không chọn hướng làm tiếp nối tình huống từ câu chuyện của Vũ Trần mà anh xây dựng một lớp kịch mới xoay quanh những nhân vật trong câu chuyện này. Trong lớp kịch của Thái Kim Tùng, những gì xảy ra trong câu chuyện của Vũ Trần trước đó chỉ là một giấc mơ của bà Trang. Thực tế, cách đây nhiều năm, lúc gia đình bà Trang còn giàu có, một băng cướp đã lẻn vào nhà bà cướp, đốt nhà và giết rất nhiều người, trong đó có người con trai lớn của bà là Danh, còn bà thì bị lửa thiêu bỏng nửa bên mặt. Cái chết oan ức của người con trai cùng vụ hỏa hoạn khiến cho bà Trang bị ám ảnh, nửa tỉnh nửa mê và lúc nào bà cũng nghĩ Danh còn sống và gia đình bà bị hãm hại bởi ông quản gia Hòa cùng cô con dâu út Phương Anh (vợ chưa cưới của Trực). Lớp kịch của Thái Kim Tùng đánh lừa khán giả với việc mở đầu bằng cảnh nhân vật Hòa và Phương Anh thông đồng với nhau, bắt ép cả gia đình bà phải ký tên sang nhượng lại mảnh đất có vị trí đắc địa cho chúng.
Tuy nhiên, khi tình huống đẩy lên cao trào, bà Trang tức giận chống trả cả hai thì Thái Kim Tùng mới lật kịch, cho thấy hóa ra tất cả chỉ là một giấc mơ của bà Trang. Chồng của bà vẫn còn sống và không ai hãm hại gia đình bà hết, chỉ là bà Trang không chấp nhận được cái chết của con trai nên ngày càng trở nên điên dại, nhất là trong ngày Tết Trung thu, khi mà tất cả gia đình đều được đoàn viên, riêng bà lại không có đủ con cái bên cạnh. Cái chết của Danh đã khiến bà day dứt, ám ảnh vì trước giờ gia đình bà không có được một tấm ảnh chụp chung cả 4 người. Chồng của bà mong bà hãy chấp nhận cái chết của con trai và thoát ra khỏi cơn mê dại để thấy gia đình bà vẫn đầy ắp tiếng cười, con trai út và con dâu vẫn yêu thương nhau và hiếu thảo với bố mẹ. Đó cũng chính là thông điệp mà đạo diễn Thái Kim Tùng muốn gửi đến khán giả: dù cuộc sống con người phải trải qua những nỗi đau nhưng tương lai vẫn còn có nhiều điều rất tươi đẹp.
Để xây dựng một lớp kịch mới trong một thời gian ngắn ngủi như yêu cầu của chương trình Kịch cùng bolero là điều rất khó, nhưng đạo diễn Thái Kim Tùng và ekip diễn viên đã cố gắng và nỗ lực rất lớn. Đó là một điều đáng ghi nhận. Cách Thái Kim Tùng biến câu chuyện của Vũ Trần thành một giấc mơ để xử lý cho dễ trong điều kiện anh không có nhiều thời gian cũng là một cách làm thông minh. Thêm một điểm cộng của Thái Kim Tùng đó là anh luôn mang đến những điều mới mẻ và cá tính riêng của mình, dù anh biết điều đó chưa chắc giúp anh chinh phục được tất cả giám khảo. Bên cạnh những ưu điểm, lớp kịch mới của Thái Kim Tùng vẫn có những điểm trừ, đó là tính kết nối với lớp kịch của Vũ Trần chưa được mạnh, chưa thật sự thuyết phục về tính hợp lý của nội dung bởi phần lý giải về cái chết của Danh không được đưa vào (anh có lý giải là đoạn này đã bị anh cắt bỏ) và 3 bài hát Đắp mộ cuộc tình, Khóc thầm, Xóm đêm, chỉ thành công ở bài Xóm đêm, hai bài còn lại không phù hợp với câu chuyện.
Giám khảo Kim Xuân nhận xét: “Vở kịch của em có 2 giấc mơ tiếp nối, rất kịch tính và hấp dẫn, diễn xuất của diễn viên tốt. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông Hòa trong giấc mơ thứ nhất kết hợp cùng mưu đồ của Phương Anh là hợp lý nhưng trong giấc mơ thứ 2 lại bị dư và lý do bà Trang từ 1 người giàu có trở thành nghèo này chưa rõ ràng”. Giám khảo Trác Thúy Miêu: “Bạn chọn giải pháp cực kỳ láu cá, giả đò biến mọi thứ thành giấc mơ và thức dậy để làm lại từ đầu. Tuy nhiên, giữa 1 tiết tấu kịch đang ở giai đoạn vô cùng nguy hiểm thì Thanh Trực hát bài Đắp mộ cuộc tình, nói với người vợ phản bội về lá rơi mùa thu đã phá tiết tấu của kịch. Đặc biệt khen diễn viên Ngô Phương Anh, chỉ sử dụng biểu cảm diễn xuất mà thay đổi hoàn toàn tinh thần của bài hát Xóm đêm, tạo sự nguy hiểm cho sự xuất hiện nhân vật, rất thông minh”.Giám khảo NSƯT Công Ninh: “Tôi cảm giác mình xem tác phẩm mới chứ không phải tiếp nối từ tác phẩm của đạo diễn Vũ Trần, đáng lẽ em phải trình bày tiếp sau câu chuyện mà Vũ Trần đã khơi gợi…Tôi khen em sáng tạo trong cách sử dụng dàn đồng ca cầm đèn đi trong đêm, rất thú vị, mặc dù tôi không hiểu vì sao em lại xử lý như vậy”.
Với phần tiếp nối tình huống hợp lý và thuyết phục hơn, đạo diễn Minh Tuấn đang chiếm ưu thế với 28,25 điểm, tiếp sau là đạo diễn Thái Kim Tùng đạt 27,25 điểm. Tập 12 của Kịch cùng Bolero phát sóng vào lúc 21h ngày 24/9 trên kênh THVL1 sẽ tiếp tục chủ đề “Kết nối” với thi phần xử lý tình huống của đạo diễn Minh Nhật. Để tăng tính hấp dẫn cho chương trình đạo diễn Ngọc Duyên cũng sẽ dàn dựng một lớp kịch của mình với phần cố vấn của giám khảo NSƯT Công Ninh.
Chương trình Kịch cùng Bolero 2018 do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Bột giặt nhiệt ABA và Binky. Chương trình phát sóng định kỳ vào lúc 21h thứ Hai hàng tuần trên kênh THVL1.
Thi Thi/ Theo Starzone