Ngoài dàn diễn viên trẻ tham gia giải thưởng phim ngắn HTV 2018, ấn tượng mạnh đến từ những “cây đa cây đề” của điện ảnh Việt như NSƯT Phi Điểu, Hồng Sáp, Thiên Kim khi cả ba nghệ sĩ lớn tuổi hoá thân vào các vai diễn khác nhau. Người lấy nụ cười, người lấy nước mắt nhưng tựu trung lại, tất cả các nghệ sĩ đều ủng hộ một thế hệ trẻ của điện ảnh Việt.
Với gương mặt hiền lành, nhiều nét khắc khổ nên nghệ sĩ Phi Điểu, Hồng Sáp, Thiên Kim luôn vào vai người mẹ lam lũ, tảo tần, thương con. Đa số các vai diễn của NSƯT Phi Điểu đều lấy nước mắt của khán giả.
Phim ngắn “Tiếng trống lắc”
Tiếng trống lắc có lẽ là bộ phim duy nhất chọn đề tài gia đình nhưng ở khía cạnh chị em gái. Người chị tỉnh táo vẫn cần mẫn mỗi ngày bất chấp mưa nắng đi bán bánh bông lan, trái cây, ăn bạn mỳ qua ngày để chắt chiu nuôi cô em gái Út khờ dại trong nhà.
Hai người phụ nữ đã ở những tháng năm cuối cùng của đời người, mái tóc đã bạc phơ, nước da đã nhăn nhúm nhưng vẫn đùm bọc nhau như thưở còn trẻ. Người chị tảo tần nuôi em nhưng không cưỡng được mệnh trời, không thắng được tuổi già và căn bệnh quái ác đã ra đi để lại người em bơ vơ giữa cuộc đời.
Nghệ sĩ Phi Điểu – Hồng Sáp
Tiếng trống lắc cũng là bộ phim khiến cho BGK tranh cãi nhiều. Giám khảo Hữu Tấn cho rằng bộ phim quá u tối về hiện thực xã hội. Giám khảo Khánh Hoàng cho rằng các bạn trẻ quá tham lam khi cho chi tiết người em gái chậm phát triển bị lạm dụng tình dục hồi trẻ, còn đạo diễn Vũ Ngọc Phượng lại ca ngợi sự cao cả của tình cảm chị em khi vẫn bên nhau khi tóc đã bạc, răng đã rụng và tay chân đã không còn nhanh nhẹn.
Hình ảnh người phụ nữ lam lũ, vất vả giành cả đời để chăm sóc cho em gái của nghệ sĩ Phi Điểu gây xúc động mạnh
Tiếng trống lắc với cái kết có phần rõ ràng nhưng cũng khơi gợi và để ngỏ nhiều điều khiến cho khán giả cảm thấy nuối tiếc vì những hình ảnh xoay quanh mối quan hệ chị em qua diễn xuất của hai diễn viên kì cựu NSƯT Phi Điểu và Nghệ sĩ Hồng Sáp.
Có ai như ngoại tôI
Với đề tài gia đình, hầu hết các nhóm thi đều chọn kịch bản về mẹ con, anh chị em, về những tuyến nhân vật có tính liên kết cao và dễ khai thác vì bản thân chủ đề này đã là một đề tài khó. Nếu xét về tính khác biệt thì chỉ có nhóm làm phimCó ai như ngoại tôi dám chọn khai thác một hướng đi mới – tình cảm bà cháu.
Đây là một điểm đáng khen bởi khoảng cách giữa hai thế hệ là một vùng đất có quá nhiều tiềm năng để khai thác nhưng mặt khác nó lại là một thử thách trong việc khắc họa nhân vật, chỉ cần một lỗi nhỏ thôi sẽ khiến bộ phim trở thành một vở kịch khiên cưỡng, đầy sắp xếp.
Nghệ sĩ Thiên Kim vào vai bà ngoại xì-tin
Điểm sáng của phim nằm ở cách xây dựng hình ảnh người bà xì-tin, yêu cháu và muốn gần cháu mình hơn bằng cách tự trẻ hoá bản thân. Đây là một điểm rất đáng yêu và đáng nhớ của bộ phim. Diễn xuất dễ chịu và ngoại hình phúc hậu của nghệ sĩ Thiên Kim cũng đã góp phần làm cho không khí phim nhẹ nhàng và thân mật hơn.
Lỗi chính của bộ phim nằm ở cách xây dựng nhân vật chính hơi “quá tay” vào lúc đầu, dẫn theo các tình tiết của câu chuyện ngày càng củng cố cá tính nhân vật nhiều hơn. Đến khi biến cố trong cốt truyện xảy ra, nhân vật lại thay đổi hoàn toàn, hầu như biến mất hẳn con người cũ khiến ai xem xong cũng không khỏi thắc mắc lẫn chưng hửng vì sự khiên cưỡng lẫn gượng gạo này.