Kỳ Tài Lộ Diện tập 5 – Từ cậu bé bán vé số 3 lần chết hụt đến “siêu trộm” đẳng cấp quốc tế

Tập 5 của chương trình Kỳ Tài Lộ Diện vừa phát sóng tối nay trên kênh THVL1 đã xác định 4 ảo thuật gia ưu tú nhất của bảng Đường Phố gồm: “siêu trộm” Nguyễn Việt Duy, “Kỷ lục gia Việt Nam” Nguyễn Phương, anh chàng tiên tri Lê Phúc Thịnh và “phù thủy xứ Cảng” Trần Anh Đức.

0
159

Cả 4 đã mang đến các tiết mục ảo thuật đẳng cấp, gây bất ngờ cho khán giả và 2 danh hài Vân Sơn, Kiều Oanh. Giám khảo chuyên môn gồm Sư phụ Kao Long và Nguyễn Thanh cũng đã dành những số điểm cao cho 4 thí sinh này.

Ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy – Từ cậu bé bán vé số 3 lần chết hụt đến “siêu trộm” đẳng cấp quốc tế

Nguyễn Việt Duy là thí sinh có số điểm cao nhất trong tập 5 của Kỳ Tài Lộ Diện với 39,5 điểm. Điều thú vị trong tiết mục của Việt Duy đó là anh đã mời 3 khán giả bất kỳ tại trường quay lên sân khấu để hỗ trợ tiết mục, nhằm thay đổi quan điểm của mọi người là các vật dụng ảo thuật đều đã được chuẩn bị từ trước. Anh mượn 2 khán giả nữ mỗi người một sợi dây chuyền rồi bỏ vào 1 tờ giấy, xong dùng bật lửa đốt tờ giấy và 2 sợi dây chuyền đã biến mất trong sự lo âu của chủ nhân. Tiếp theo đó, anh lại mượn chiếc điện thoại của nam khán giả còn lại, gói vào 1 chiếc khăn lụa trước sự chứng kiến của mọi người rồi ném trả lại cho vị khán giả ấy nhưng chỉ có chiếc khăn, còn chiếc điện thoại đã không cánh mà bay. Cả 3 vị khán giả khá hoang mang vì không biết tài sản của mình đang ở đâu vì không thấy Việt Duy đoái hoài đến việc trả lại. Tiếp đó, Việt Duy lại mời giám khảo Kiều Oanh lên sân khấu. Nữ danh hài khá lo lắng vì sợ Việt Duy sẽ biến mất…bộ đầm kim sa của mình. Tuy nhiên, Việt Duy lại thử thách sự dũng cảm của nữ giám khảo bằng cách đưa cho chị tờ 500 ngàn đồng mượn từ MC Hoàng Rapper và yêu cầu chị nắm giữ tờ tiền thật chặt. Tiếp đó, anh đưa ra 3 quả táo và nhờ giám khảo Kiều Oanh chọn 1 quả rồi đặt lên đầu. Kiều Oanh chọn quả chính giữa. 2 quả còn lại được Việt Duy đưa cho giám khảo Vân Sơn giữ. Trở lại với vị 3 khán giả, Việt Duy đùa với cả 3 rằng nếu muốn lấy lại tài sản của mình thì hãy dùng con dao phóng trúng vào quả táo trên đầu của giám khảo Kiều Oanh. Tuy nhiên, cả 3 vị khán giả không ai đủ can đảm để phóng. Chính vì vậy, Việt Duy quyết định tự mình dùng súng bắn vào quả táo. Anh lấy lại tờ tiền 500 ngàn đồng từ tay nữ giám khảo, đặt vào một mảnh giấy và nhét vào trong ống đạn của cây súng để bắn. Nữ giám khảo khá căng thẳng và đòi danh hài Vân Sơn lên thế vị trí của mình nhưng yêu cầu của chị đã không được đáp ứng. Việt Duy đã nổ phát súng, khiến Kiều Oanh và Vân Sơn giật thót tim. Tờ tiền trong ống đạn lúc nãy đã biến mất. Tiếp đó, Việt Duy mời Vân Sơn lên sân khấu để tự tay nam danh hài cắt 2 quả táo mà anh giữ lúc đầu nhưng trong ruột quả táo không có gì. Đến lượt trái táo của Kiều Oanh, Việt Duy cắt ra và trong đó có tờ 500 ngàn ban đầu, khiến cho nữ danh hài bất ngờ và chỉ có thể thốt lên 2 từ “khủng khiếp” bởi không biết làm sao tờ tiền có thể chui vào bên trong ruột của một quả táo lành lặn. Không chỉ vậy, từ tờ tiền được lấy ra từ quả táo, Việt Duy xoắn lại và ngay lập tức xuất hiện 2 sợi dây chuyền của 2 nữ khán giả. Tờ tiền sau đó cũng đã được trả lại cho “khổ chủ” Hoàng Rapper. Chiếc điện thoại của nam khán giả cũng được trả lại cho chủ nhân sau khi được Việt Duy lấy ra từ trong chiếc áo ghi lê của mình.

Nhận xét về tiết mục, danh hài Kiều Oanh không ngớt lời khen Việt Duy vì anh đã khiến cho khán giả bất ngờ, khâm phục, sợ sệt vì không biết bị anh cưỡm đồ lúc nào. Nữ giám khảo nói đùa nếu Việt Duy có dùng kỹ năng “móc túi” này để đi làm ăn thì nhớ rủ chị. Danh hài Vân Sơn đánh giá cao khả năng tương tác tốt của Việt Duy với giám khảo. Anh đánh giá Việt Duy đã chinh phục được khán giả bằng đẳng cấp quốc tế. Giám khảo chuyên môn Nguyễn Thanh bày tỏ niềm vui trước tiết mục ảo thuật “made in Việt Nam” rất thành công của Việt Duy. Theo anh, trong ảo thuật không quan trọng là tiết mục đơn giản hay cầu kỳ mà là hiệu ứng bất ngờ mà tiết mục mang lại. Giám khảo Kao Long đánh giá cao kỹ thuật “palm” quá đỉnh của Việt Duy trong tiết mục. Với số điểm cao nhất, Việt Duy tạm thời dẫn đầu bảng Đường phố.

Nguyễn Việt Duy sinh năm 1981 trong một gia đình làm nông tại một xã miền núi nghèo thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội). Lúc nhỏ, gia đình khó khăn, Việt Duy phải vừa đi học vừa đi bán kem dạo, bán báo, vé số… mỗi ngày lời được 15.000 đồng để lấy tiền mua sách vở. Có những ngày vì quá đói, không có gì ăn nên anh đã đi hái trộm mít. Trong lúc leo, do cành cây bị gãy, anh bị ngã từ trên cao xuống gãy tay trái đến bất tỉnh nhưng không ai hay. Vài tiếng sau, anh tỉnh lại và cố gắng nhịn đau tự đi về nhà. Năm đó là lúc anh học lớp 6. Lên đến lớp 7 thì anh nghỉ học, lên Hà Nội làm phụ hồ. Làm chưa được bao lâu thì lại gặp tai nạn ngã từ tầng 3 của tòa nhà xuống, may nhờ có tấm bạt phía dưới đỡ lại nếu không thì anh đã mất mạng. Tuy nhiên, sau tai nạn đó thì bà chủ nhà không cho anh làm phụ hồ nữa mà chuyển sang nấu cơm cho thợ. Cuộc đời Việt Duy rẽ sang một hướng khác khi anh làm việc cho một nhà hàng trên tàu của Đức. Tình cờ quen biết 1 ảo thuật gia người nước ngoài khi ông đến biểu diễn tại nhà hàng, Việt Duy đã chạy theo xin học bằng được. Thấy chàng trai trẻ khao khát muốn thử sức với môn học mới, nhà ảo thuật nổi tiếng đã đồng ý dạy cho Duy trò đầu tiên với 2 sợi dây thun. Thời gian sau đó, Duy xin trực thêm ca đêm để vừa có tiền học ảo thuật, vừa tập luyện thêm với thầy dạy. Ròng rã suốt 2 năm trời, Duy vừa trực đêm, vừa học ảo thuật, đồng thời anh còn tự học thêm tiếng Anh để có thể tiếp thu hết những lời chỉ dạy của thầy giáo. Trong những ngày làm việc trên tàu, Việt Duy lại suýt chết một lần nữa. Đó là trong lúc biểu diễn trên tàu, lúc tàu đang đi ngang cầu Sài Gòn, nghe tiếng kêu cứu dưới sông, anh đã lập tức nhảy xuống cứu người, không màng nguy hiểm. May mắn, anh cứu được người nhưng bản thân lại bị rớt mất đôi giày và dụng cụ ảo thuật. Sếp của anh đã thưởng cho anh 700.000 đồng vì hành động cứu người đó. Đó là năm 2004. Đến năm 2006, Việt Duy quyết định dốc toàn bộ vốn liếng lên đường sang Singapore để học trình diễn ảo thuật chuyên nghiệp. Và ảo thuật đã thay đổi cuộc đời của Việt Duy. Hiện tại, anh đã mở được một công ty nhỏ chuyên về tổ chức sự kiện và cung cấp các dịch vụ ảo thuật.

Đứng vị trí thứ 2 trong đêm thi tối qua với 38 điểm là Nguyễn Phương – ảo thuật gia từng xác lập kỷ lục Việt Nam là người đầu tiên biểu diễn tương tác với màn hình Led 3D, 4D, cũng là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng International Merlin Award của Hiệp hội Ảo thuật gia Thế giới (một giải tương đương với Oscar điện ảnh), cùng với bằng Doctor of Magic….

Trong tiết mục, Nguyễn Phương vào vai một nhà khoa học, sáng chế ra một lọ nước thần kỳ, giúp anh có siêu năng lực đặc biệt. Sau khi uống lọ nước ấy, Nguyễn Phương có thể khiến cho dòng nước ngưng chảy, hoặc làm bể những chai thủy tinh và chiếc ly cối mà không đụng đến chúng. Tiết mục mang tính giải trí cao khi Nguyễn Phương mời danh hài Vân Sơn lên để tham gia hỗ trợ cũng như kiểm chứng chiếc ly có phải thủy tinh thật hay không.

Giám khảo Kao Long cho rằng Nguyễn Phương đã thể hiện được bản lĩnh sân khấu đúng như thương hiệu của anh khi xử lý tình huống chưa hoàn hảo trong bài một cách khéo léo. Nhận xét về tiết mục, danh hài Vân Sơn cho rằng anh đánh giá khả năng hài hước của Nguyễn Phương còn cao hơn cả tiết mục nên nếu như Nguyễn Phương không giành giải cao nhất trong cuộc thi thì có thể chuyển sang lĩnh vực hài, anh và Kiều Oanh có thể bao sân cho Nguyễn Phương.

Khác với sự sôi động của Việt Duy và Nguyễn Phương, thí sinh Trần Anh Đức mang đến một tiết mục ảo thuật nhẹ nhàng, sâu lắng để làm quà tặng cho mẹ của mình, vốn đang có mặt, theo dõi và ủng hộ anh tại trường quay. Với đôi tay khéo léo, Anh Đức liên tục khiến những đồng xu xuất hiện rồi biến mất, di chuyển từ bên này sang bên kia chỉ trong chớp mắt. Tiết mục kết thúc với hình ảnh cánh hoa hồng được Anh Đức cắm vào chiếc ly nước, lập tức ly nước đóng băng trắng xóa. Tiết mục khiến cho danh hài Vân Sơn bị choáng vì cảm giác bay bổng. Âm nhạc và cách trình diễn của Anh Đức, sự điêu luyện, khéo léo đã lôi cuốn anh. Giám khảo Kiều Oanh thích 2 điều trong tiết mục đó là thông điệp về mẹ, thứ 2 là sự hòa hợp với âm nhạc. Giám khảo Kao Long đánh giá bài thi của Anh Đức có cấu trúc đẹp, đầy đủ, hội đủ các yếu tố kỹ thuật, thần thái tốt. Giám khảo Nguyễn Thanh cho rằng ngay khi mới xuất hiện, Anh Đức đã chiếm trọn tình cảm của khán giả bằng những tâm sự đầy cảm xúc về mẹ và bà sẽ rất tự hào vì có một người con tài năng như anh. Về kỹ thuật thì anh đánh giá Anh Đức hoàn hảo nhưng anh vẫn mong muốn Anh Đức sử dụng đồng xu lớn hơn, cánh hoa hồng to hơn thì hiệu ứng sẽ đẹp hơn. Số điểm mà Trần Anh Đức cho bài thi là 38 điểm, bằng với Nguyễn Phương.

Tuần trước, thí sinh Lê Phúc Thịnh đã từng gây ấn tượng với tiết mục tiên tri giấc mơ. Tuần này, anh trổ tài ảo thuật với những lá bài. Điều thú vị là trước khi biểu diễn, Phúc Thịnh đã nhờ danh hài Vân Sơn lên sân khấu chọn 1 lá bài bất kỳ, ký tên vào đó rồi nhét vào trong bộ bài. Tiếp theo đó, anh nhờ nam giám khảo dùng băng để quấn chặt 1 bàn tay của mình lại với móc khóa chắc chắn. Với một bàn tay còn lại, Phúc Thịnh tung bộ bài lên để tìm ra lá bài mà Vân Sơn đã chọn. Tuy nhiên, lá bài mà anh bắt được lại không chính xác. Đến lúc này, Phúc Thịnh mới nhờ Vân Sơn tháo băng cánh tay ra và kỳ lạ thay, lá bài có chữ ký của Vân Sơn đã nằm sẵn trong đó tự lúc nào. Tiết mục của Phúc Thịnh đã khiến cho Vân Sơn ngỡ ngàng đến khó tin. Anh cũng ấn tượng với phong cách tự tin, phong độ của Phúc Thịnh. Danh hài Kiều Oanh cũng khen bản lĩnh sân khấu của Phúc Thịnh, có thể lôi kéo mọi người hướng sự chú ý về mình nhưng chị cũng lưu ý Phúc Thịnh không nên quá tự tin, ngạo mạn. Giám khảo Nguyễn Thanh đánh giá Phúc Thịnh có nhiều tài năng hơn những gì anh trình diễn nhưng khuyết điểm là tiết mục lại bị trùng màu với bài thi lần trước. Giám khảo Kao Long cũng cho rằng Phúc Thịnh còn vụng trong phần chụp những lá bài nhưng anh thông cảm vì áp lực diễn chót của nam thí sinh và cũng khen ngợi Phúc Thịnh vì có bài thi tạo được hiệu ứng. Số điểm của Lê Phúc Thịnh nhận được là 38 điểm, đủ để cho anh giành được chiếc vé bước vào vòng trong

Đó là trường hợp của thí sinh Sa Khang. Anh mang đến một tiết mục ảo thuật với những lá bài được lồng trong một câu chuyện mang hơi hướm phim hành động Hồng Kông. Anh vào vai một cậu bé mồ côi, được một ảo thuật gia nhận làm học trò và truyền lại nhiều bí kíp ảo thuật. Lớn lên, Sa Khang tiếp tục ở lại để chăm lo cho những em bé trong trại mồ côi. Anh đã vay tiền của bọn giang hồ. Chưa kịp xoay đủ tiền trả, bọn chúng ép anh phải đi đánh bài với một ông trùm cờ bạc để trừ nợ. Không còn cách nào khác, Sa Khang nhận lời và chiến thắng gã trùm trước sự chứng kiến của thần bài quốc tế Hoàng Rapper. Thế nhưng, gã trùm lại trở mặt không chịu đưa tiền. Lúc này, cảnh sát ập vô bắt tên trùm bởi trước đó Sa Khang đã bí mật báo cảnh sát. Thần bài quốc tế Hoàng Rapper lúc này cũng hiện nguyên hình là một cảnh sát chìm. Nhận xét về tiết mục, danh hài Kiều Oanh cho rằng kịch bản có tính giáo dục. Dù diễn xuất của Sa Khang chưa tốt nhưng giám khảo Vân Sơn cho rằng điều đó không quan trọng bằng việc Sa Khang đã đưa kịch vào ảo thuật và mang đến bất ngờ cho khán giả. Giám khảo Kao Long cũng cho rằng kịch bản ổn nhưng phần kỹ thuật chưa đủ. Giám khảo Nguyễn Thanh cũng cho rằng tiết mục chưa đủ sướng, đủ đã với anh. Không đồng ý với quan điểm của giám khảo, Sa Khang cho rằng với ảo thuật đường phố không nhất thiết phải biểu diễn những động tác “kinh điển” như kéo lá bài, lăn các đồng xu qua những ngón tay bởi đó là những động tác mà các ảo thuật gia đều đã luyện tập qua và một mình anh vẫn có thể làm được và các ảo thuật gia khác ai cũng có thể làm được. “Giá trị trong bài chính là những trò ảo thuật đường phố vừa phải nhưng kèm với một kịch bản tốt sẽ chạm vào lòng người. Đó mới gọi là nghệ thuật. Đó mới gọi là kỳ tài” – Sa Khang. Chia sẻ về yếu tố kỹ thuật và thông điệp trong một tiết mục ảo thuật đường phố, giám khảo Kao Long cho rằng nếu bối cảnh là đường phố thì tính thông điệp có thể không quá quan trọng bằng kỹ thuật vì đối tượng khán giả xem thường ít hơn và xem chớp nhoáng. Còn với bối cảnh trên sóng truyền hình thì cả hai đều quan trọng như nhau bởi khán giả của truyền hình nhiều hơn nên các tiết mục cần mang một thông điệp tích cực. Tuy nhiên, yếu tố kỹ thuật vẫn phải đủ để có thể chinh phục và hấp dẫn khán giả. Số điểm mà Sa Khang nhận được là 37,5 điểm và phải chia tay chương trình.

Ảo thuật gia 65 tuổi được khán giả yêu mến nhất

Ảo thuật gia Trương Thanh là thí sinh lớn tuổi nhất của Kỳ Tài Lộ Diện. Năm nay ông được 65 tuổi và sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán dụng cụ ảo thuật. Đêm thi tối qua, Trương Thanh chọn tiết mục ảo thuật biến hóa ra 9 chú chim bồ câu. Đây là một tiết mục khó với phần dàn dựng phức tạp so với một người cao tuổi như ông. Tuy số điểm mà Trương Thanh nhận được không cao (36 điểm) nhưng bù lại ông được khán giả tại trường quay yêu mến và bình chọn với tỉ lệ cao nhất 98%. Tuy phải ra về nhưng bù lại, Trương Thanh đã nhận được phần thưởng 5 triệu đồng từ kết quả bình chọn.

Đêm thi thứ 5 của Kỳ Tài Lộ Diện cũng đã chia tay thí sinh Võ Khoa Học. Tiết mục ảo thuật của Võ Khoa Học là phán đoán những lá bài, di chuyển quả cầu trong không trung, biến ra chim bồ câu và mèo.

Kết thúc đêm thi, 4 thí sinh được đi tiếp là Nguyễn Việt Duy, Nguyễn Phương, Lê Phúc Thịnh và Trần Anh Đức. Đêm thi thứ 6 của chương trình sẽ là đêm tranh tài của 7 thí sinh trong bảng Công Năng. Chương trình Kỳ Tài Lộ Diện do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Công ty truyền thông Khang thực hiện, với sự tài trợ của nhãn hàng trà thanh nhiệt Dr. Thanh. Dẫn chương trình là MC Hoàng Rapper. Đây là chương trình đầu tiên dành cho các nghệ sĩ trong 3 lĩnh vực Xiếc – Ảo thuật và Công Năng và hiện đang chiếm rating rất cao. Không chỉ dành riêng cho khán giả miền Nam, khán giả tại Hà Nội vẫn có thể xem được Kỳ Tài Lộ Diện và toàn bộ chương trình của Đài THVL trên hệ thống cab Analog tại vị trí kênh số 8 (THVL1) của VTVCab hoặc xem video clip full của chương trình trên ứng dụng THVLi tại địa chỉ: www.thvli.vn.

BÌNH LUẬN