Tiết mục lấy bối cảnh ở một miền quê sông nước. Ông Quốc (NSƯT Hữu Quốc) sống bằng nghề dệt và nhuộm vải bên bến sông. Ông có người vợ hiền lành tên Thảo (Kiều Thảo) và người con trai nhỏ tên là Bảo (Mai Tài Phến).
Không chịu đựng được cuộc sống lam lũ, nghèo khó, ông Quốc rong ruổi đi kiếm việc làm thêm và gặp Thư (Nam Thư) – một cô gái lắm tiền, nhiều của, chủ của một vựa lúa ở miền Tây. Thư đã dùng tiền để Quốc ruồng rẫy, đánh đập vợ con và bỏ nhà đi theo cô.
Bảo lớn lên với mối hận và sự ám ảnh về mối quan hệ bất chính của ông Quốc và bà Thư. Anh ta xin vào làm bốc vác của gia đình Thư. Với gương mặt điển trai, thân hình rắn chắc và vẻ bất cần, Bảo đã làm cho bà Thư say đắm, sẵn sàng làm tất cả để cung phụng anh.
Đảm nhận vai nữ chính trong tiểu phẩm, “kiều nữ làng hài” Nam Thư đã lột tả trọn vẹn sự đanh đá, lẳng lơ đến trơ tráo của nhân vật bà chủ vựa lúa. Cô có những cảnh diễn hết sức táo bạo cùng với Mai Tài Phến như cảnh cô bỏ chìa khóa xe máy vào áo ngực và buộc Mai Tài Phến phải …cúi mặt vào để gặm chiếc chìa khóa ra hay cô và bạn diễn quấn quýt nhau trong men rượu.
Đạo diễn Công Ninh nhận xét các tiết mục của Vũ Trần mãn nhãn về hình thức trình bày, về cảm xúc mà các diễn viên mang đến. Nữ giám khảo Đông Đào cho rằng các ca khúc đưa vào tiểu phẩm rất phù hợp như Lúa mùa duyên thắm, Say, Cho vừa lòng em, Mật đắng tình yêu. Kết quả Vũ Trần nhận điểm số tuyệt đối từ ban giám khảo.
Chỉ cách số điểm của đạo diễn Vũ Trần 0,5 điểm là đạo diễn Ngọc Duyên với tiết mục Nhạn sầu. Tiết mục của nữ đạo diễn đã khiến Việt Trinh nhiều lần rơi nước mắt.
Khác với đạo diễn Vũ Trần và Ngọc Duyên, đạo diễn Vũ Xuân Trang mang đến một tiết mục kịch trinh thám, hài hước mang tên Bằng chứng với sự tham gia của các diễn viên đến từ sân khấu kịch Phú Nhuận như: Hữu Tín, Hữu Phước, Di Dương, Trúc Anh.
Tiểu phẩm của anh bị giám khảo Đức Thịnh nhận xét nhân vật thiếu gắn kết, chưa rõ ràng, bối cảnh ở Việt Nam mà nhân vật sử dụng súng bắn vào chốt bảo vệ không hợp lý. Vì thế anh chỉ nhận được 38,25 điểm.