Luật sư Trương Thị Hòa cho biết ở nước ngoài người dân có thói quen lập di chúc trước khi qua đời. Tuy nhiên, phần đông người Việt ít làm di chúc trước khi mất vì sợ xui. Sau này khi chứng kiến nhiều vụ gia đình, anh em mâu thuẫn, thậm chí chém giết nhau vì phân chia tài sản, nhiều gia đình Việt Nam hiện nay đã nghĩ đến việc lập di chúc. Độ tuổi thông thường của người Việt khi lập di chúc là 60 tuổi, 65 tuổi. Nhưng nay thì một số người trẻ có điều kiện ở tuổi ngoài 40 cũng đã nghĩ đến lập di chúc sớm. Luật sư Trương Thị Hòa cho biết lập di chúc phải hết sức cẩn thận về câu từ, bởi nếu không sẽ rất dễ nảy sinh rắc rối.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, hiện tại, với sự cải cách tư pháp, việc lập di chúc không còn là điều khó khăn. Người dân chỉ cần đến phường, gặp cán bộ tư pháp ký vào di chúc rồi lưu lại. Thậm chí, ngay cả khi bị bệnh, không lên phường được thì có thể nhờ cán bộ tư pháp đến nhà rồi ký vào di chúc cũng được. Trước đây, khi lập di chúc cần phải khám sức khỏe, tuy nhiên, hiện tại không cần thiết. Thậm chí, luật sư Trương Thị Hòa còn cho biết có thể lập di chúc bằng miệng, và trong 5 ngày sau khi lập di chúc bằng miệng thì phải xác nhận chữ ký. Tuy nhiên, nếu sau khi lập di chúc miệng 3 tháng mà chưa qua đời thì không còn giá trị, phải lập lại di chúc mới.
Việc lập di chúc ngày một đơn giản, nhưng không phải người Việt nào cũng mặn mà với việc lập di chúc. Theo bà, hiện chỉ có khoảng 20% người Việt lập di chúc trước khi chết và đa phần số người này là ở thành phố lớn. Ở nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn chưa chú ý đến vấn đề này. Theo đạo diễn Lê Hoàng, ở nước ngoài, người lập di chúc sẽ bí mật về việc mình làm, sau khi họ qua đời thì cả gia đình mới biết về bản di chúc đó. Ở Việt Nam, di chúc có thể gửi ở phòng công chứng, cũng có những người Việt Nam trước khi đi nước ngoài thì lập di chúc nhờ luật sư giữ. Và trong một số trường hợp, khi xảy ra tranh chấp trong di chúc, pháp luật sẽ phải can thiệp.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng chia sẻ về trường hợp của gia đình ông. Sau khi lập di chúc, 10 năm sau bố nam đạo diễn qua đời. Khi Lê Hoàng mang bản di chúc đó đi thực hiện thì mới phát hiện ra bản di chúc không đóng dấu giáp lai. Biết rằng đó là lỗi của cán bộ tư pháp tại thời điểm đó, tuy nhiên, gia đình Lê Hoàng lại phải mất rất nhiều thời gian về phường xác nhận, rồi lại phải về tìm lại cán bộ tư pháp cũ để xác nhận tiếp thì bản di chúc mới có giá trị.
Theo TB