Nhạc sĩ Mạnh Phát sinh năm 1929, mất năm 1973. Ông còn có hai bút hiệu khác là Tiến Đạt và Thúc Đăng. Ông là một ca sĩ, nhạc sĩ có nhiều sáng tác nổi tiếng và được khán giả yêu thích đến tận nay như Nỗi buồn gác trọ, Về đâu mái tóc người thương, Qua xóm nhỏ, Nhớ mùa hoa tím, Dấu chân kỷ niệm, Hoa nở về đêm, Sương lạnh chiều đông, Phố vắng em rồi…
Đây đều là những ca khúc mà danh ca Phương Dung đã thể hiện và tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Với 60 năm tuổi nghề, thành công của nữ danh ca “Nhạn trắng Gò Công” phải kể đến nhạc sĩ Mạnh Phát – người thầy góp phần đưa cô đến đỉnh vinh quang trong sự nghiệp.
“Nhạc sĩ Mạnh Phát là một danh ca, nhạc sĩ nổi tiếng từ thập niên 45 – 50. Ông là người đã giúp Phương Dung và danh ca Hoàng Oanh có trên 300 đĩa nhạc thời bấy giờ. Ông là một người thầy rất kỹ tính, mỗi khi có bài hát mới ông đều đến nhà tập cho Phương Dung hát đúng ý, đúng tâm tình của từng ca khúc mới thôi”, Phương Dung chia sẻ.
Khi nói về ca khúc Nỗi buồn gác trọ – một hit lớn trong sự nghiệp ca hát của danh ca Phương Dung, lần đầu tiên nữ danh ca chia sẻ ý nghĩa, hoàn cảnh ra đời của ca khúc nổi tiếng mà bà may mắn được hát.
Cố nhạc sĩ Mạnh Phát
Theo Phương Dung, nhạc sĩ Mạnh Phát có quen biết một anh sinh viên nghèo, ở trọ trong một căn gác nhỏ. Mỗi mùa trôi qua, chàng sinh viên lại thấy một người thiếu nữ trong xóm trọ đi lấy chồng. Dù anh có thầm thương trộm nhớ cô gái nào thì tình cảm đó cũng không thành hoặc chưa kịp thổ lộ thì họ đã lên xe hoa. Nhạc sĩ Mạnh Phát thấu hiểu tâm trạng của chàng thanh niên đó nên tức cảnh sáng tác nên ca khúc Nỗi buồn gác trọ. Ca khúc gợi cho Phương Dung nhiều kỷ niệm đẹp với nhạc sĩ Mạnh Phát – một ân nhân lớn trong sự nghiệp ca hát của bà.
Theo Starzone