Những bối cảnh tiêu tốn nhiều công sức nhất của ê kíp Người bất tử

Tập hậu trường tiếp theo của Người bất tử với tên gọi “Thiết kế mỹ thuật – Bối cảnh” đã tiết lộ về quá trình tái hiện những bối cảnh quan trọng của bộ phim một cách tỉ mỉ và kỳ công nhất.

0
177
Theo nhà sản xuất, đoàn phim đã phải mất 2 năm đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm bối cảnh phù hợp cho câu chuyện kéo dài qua 3 thế kỷ của bộ phim. Thế nhưng, hành trình thiết kế từng bối cảnh còn gian nan và kỳ công hơn rất nhiều.

Thiên nhiên hoang sơ và đa dạng của Quảng Bình không chỉ thử thách đoàn phim ở quá trình di chuyển, mà còn đặt ra bài toán khó cho ê kip trong việc tạo dựng bối cảnh, sao cho vừa chân thực, vừa đúng với ý đồ của đạo diễn Victor Vũ, nhưng vẫn đảm bảo không làm ảnh hưởng tới cảnh quan và hệ sinh thái nơi đây.

Bối cảnh nhà Duyên trước và sau khi thiết kế

Với hầu hết các bối cảnh, đoàn phim phải tái tạo lại 100%, từ những chi tiết nhỏ bé nhất. Mỗi không gian, đồ vật trong từng bối cảnh đều được lên bản vẽ chi tiết, mỗi màu sắc sử dụng đều được thảo luận kỹ càng trước khi đưa vào hiện thực hóa. Một trong những bối cảnh được đạo diễn Victor Vũ tâm đắc nhất chính là căn nhà trên biển của Duyên (Thanh Tú).

Khi xem phim, khán giả sẽ thấy đây là một ngôi nhà sàn chênh vênh giữa biển trời xanh thẳm, mộc mạc và đậm chất thơ. Nhưng ở phía sau hậu trường, không gian nên thơ đó lại được tái tạo trên nền một ngọn hải đăng đổ nát tại bãi Đá Nhảy (Quảng Bình). Sự kỳ công của ê kip trong từng công đoạn phục dựng, giữa thời tiết nắng cháy da cháy thịt ở Quảng Bình cuối cùng đã tạo nên một bối cảnh mà theo Victor Vũ là “đẹp và thú vị nhất phim”.

Với nhà thiết kế sản xuất Jose Mari Pamintaun , bối cảnh làm khó anh nhất chính là những địa danh ở miền Bắc, bởi tổ thiết kế phải hồi sinh những căn nhà đã trong tình trạng sụp đổ hoàn toàn, mang chúng trở lại cuộc sống xa hoa thời phong kiến và Pháp thuộc. Dưới bàn tay tài hoa của tổ thiết kế, những ngôi nhà cổ chưa từng được sử dụng làm bối cảnh cho một bộ phim nào đã trở thành khu nhà thổ, động hút đầy mê hoặc và ám muội của xã hội thực dân phong kiến xưa, nơi chứng kiến những cuộc vui chơi trụy lạc cùng mưu mô toan tính của con người.

Bối cảnh phiên chợ quê trước và sau khi thiết kế.

Văn hóa là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu trong thiết kế mỹ thuật của phim Người bất tử. Bởi dù kể một câu chuyện siêu nhiên, nhưng Victor Vũ cùng ê kip luôn tôn trọng những gì thuộc về văn hóa, lịch sử trong từng mốc thời gian. Trong từng bối cảnh thời phong kiến và Pháp thuộc của phim, khán giả có thể nhận thấy sự giao thoa tiếp biến văn hóa Việt – Pháp rõ nét, hay hơi thở nhịp sống đương thời, từ khung cảnh, nội thất, hay phục trang.

Đó có thể là một căn biệt thự cổ xa hoa, lộng lẫy và có chút buông thả của tầng lớp thượng lưu – nơi Hùng ở trên những năm tháng đỉnh cao quyền lực; hay một nhà tù thực dân với hàng chục công cụ tra tấn khiến ta phải rợn người. Mỗi nhân vật ở các tầng lớp khác nhau cũng được chuẩn bị phục trang khác nhau, dù nghèo khó hay giàu sang, đều cần tự nhiên một cách mộc mạc và chân thành nhất, và đặc biệt, phải phản chiếu rõ nét văn hóa pha trộn Việt – Pháp bấy giờ.

 Tập hậu trường tiếp theo của Người bất tử với chủ đề “Diễn viên – Nhân vật” sẽ tiếp tục được giới thiệu tới khán giả trong thời gian tới.

Phim dự kiến ra mắt khán giả vào ngày 12/10/2018.

BÌNH LUẬN