Nam ca sĩ 10 năm tuổi nghề, 12 cuộc thi hát buồn vì nhiều người hỏi mình sao vẫn chưa nổi tiếng

Không chỉ quy tụ dàn ca sĩ “khủng” trong đêm nhạc “Cô đơn”, Sài Gòn Đêm Thứ 7 còn mang đến bộ sưu tập “Hoa thuỷ tinh” của NTK Lê Long Dũng.

0
72

Là chàng ca sĩ sinh năm 1987, Vũ Phương theo đuổi dòng nhạc thế mạnh của mình là trữ tình. Từng trải qua 12 cuộc thi trong suốt 10 năm sự nghiệp, nam ca sĩ dần khẳng định được năng lực bản thân trên con đường ca hát chuyên nghiệp.

Đến với chương trình Sài Gòn Đêm Thứ 7 lần này, Vũ Phương cho biết đây không phải là lần đầu tiên anh hát Khi người lớn cô đơn, tuy nhiên mỗi lần đều mang đến cho anh rất nhiều cảm xúc, anh nói: “Đây là một bài hát mà tôi rất yêu thích từ một nhạc sĩ trẻ, vì bình thường tôi chỉ hát nhạc xưa thôi. Những ca từ trong bài hát dường như đều là những cảm xúc thật mà chính Phạm Hồng Phước đã trải qua. Và không chỉ riêng Phước mà chắc chắn ai cũng từng trải qua cái cảm giác cô đơn giữa Sài Gòn tấp nập này”. Vũ Phương còn cho biết, bài hát khiến anh có cảm giác chỉ một giây phút nào đó vô tình lơ đễnh thì anh sẽ bị tụt lại phía sau bất cứ lúc nào: “Với tôi đây là thứ cảm giác cô đơn giữa những điều thân thuộc nhất”.

“Có lẽ tôi hơi dị, nhưng ai cũng thích vui, còn tôi thì thích buồn lắm”, anh cười giải thích: “Vui thì người ta nhanh quên, còn nỗi buồn thì cứ gặm nhấm từ từ. Đặc biệt đối với những người làm nghệ thuật, cái cảm giác vương vấn như một chất xúc tác để người nghệ sĩ có thể thăng hoa trong âm nhạc”. Nam ca sĩ còn cho biết, nhiều người nói anh biểu cảm “buồn quá sức chịu đựng” khi hát những bài hát buồn. Thậm chí từng có một giám khảo tên tuổi nhận xét anh không cần phải buồn theo một bài hát buồn đến như vậy, thế nhưng anh cũng chia sẻ bản thân nghĩ điều đó hoàn toàn không đúng. “Vì khi ta hát một ca khúc buồn mà không cảm nhận được nỗi buồn đó, thì làm sao có thể truyền tải đến khán giả cảm xúc của bài hát?”. Anh nói thêm: “Buồn một nỗi buồn rất đẹp thì tại sao lại không?”

Nói về trải nghiệm cô đơn giữa Sài Gòn của chính bản thân mình, Vũ Phương kể về những ngày đầu tiên khi mới bước chân lên Sài Gòn, anh phải đấu tranh rất nhiều: “Gia đình ủng hộ tôi theo con đường ca hát nhưng lo sợ mọi thứ quá tốn kém khi tôi học thanh nhạc. Nhưng rồi cha mẹ cũng cố gom góp cho tôi theo đuổi đam mê”. Anh nói ngày cha dắt anh lên thành phố rồi quay về quê, anh cảm giác như một mình mình giờ đây phải chống chọi cả thế giới: “Từ cái không khí yên bình ở quê, tôi phải đối mặt với cuộc sống tấp nập bon chen ở Sài Gòn.

Cảm giác rất cô đơn khi một mình tự lo mọi chuyện”. Anh cũng chia sẻ thời sinh viên rất nghèo, phải sống xa quê. Bản thân anh cũng chỉ có một chiếc xe đạp “cà tàng” vì vậy khi hát bài hát này, ký ức trong anh về những ngày đạp xe rong ruổi Sài Gòn để đi học, đi làm thêm lại ùa về. Rồi khi trưởng thành hơn, bước đi trên con đường nghệ thuật, cảm giác cô đơn cũng chưa bao giờ rời xa nam ca sĩ: “Không chỉ riêng tôi, mà chắc nghệ sĩ ai cũng cô đơn. Sau những giây phút rực rỡ trên sân khấu, sau tiếng hò reo cổ vũ của khán giả, là cảm giác cô đơn xâm chiếm. Người nghệ sĩ càng đắm chìm trong ánh hào quang trên sân khấu thì lúc kết thúc, họ càng trở nên cô đơn khi trở về chính con người mình”.

Vũ Phương cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Con đường tôi đi chông gai thực sự. Vào nghề hơn 10 năm, nhưng mọi thứ đều rất lận đận. Tôi không biết bao giờ may mắn mới mỉm cười với mình”. Anh nói thêm: “Không phải tôi muốn nổi tiếng để được “đắt sô”, tôi chỉ muốn được đem tiếng hát của mình đến gần hơn với khán giả. Tôi cũng buồn vì nhiều người hỏi mình sao vẫn chưa nổi tiếng. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ liệu con đường mình chọn có đúng hay không, nhưng rồi vẫn kiên định mà bước tiếp”.

Sài Gòn Đêm Thứ 7 do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện. Chương trình tháng 5 với chủ đề Cô đơn, phát sóng vào lúc 20h30 thứ bảy ngày 18/5/2019 trên kênh VTV9.

BÌNH LUẬN